Sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
Thực hiện Quyết định số 1092/QÐ-UBND của UBND tỉnh (ban hành ngày 29.3.2017) về việc ban hành kế hoạch tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, Sở LÐ-TB&XH lập kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân.
Năm 2018, Sở LĐ-TB&XH lập kế hoạch tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Các phòng LĐ-TB&XH, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh được tập huấn về kiến thức, kỹ năng hỗ trợ nạn nhân.
Nạn nhân bị mua bán cần được hỗ trợ về nhiều mặt khi trở về.
- Trong ảnh: Quy trình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng.
Theo đó, sẽ tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng. Công tác hỗ trợ bao gồm: Chăm sóc sức khỏe, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, hỗ trợ vay vốn, học nghề, trợ giúp pháp lý... giúp nạn nhân tái hòa nhập, ổn định cuộc sống.
Để nắm tình hình, rà soát thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương, kịp thời thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, mạng lưới hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng đã được hình thành. Mạng lưới này gồm cán bộ LĐ-TB&XH, cộng tác viên công tác xã hội tại cơ sở.
Mua bán người bao gồm: Các hình thức tuyển dụng, vận chuyển, chuyển giao, chứa chấp, tiếp nhận người thông qua các biện pháp đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc các hình thức khác như ép buộc, bắt cóc, lừa đảo, hoặc gian lận, lạm dụng quyền lực hoặc vị trí của nhóm dễ bị tổn thương hoặc thông qua việc nhận hoặc trả tiền… cho người đang nắm quyền kiểm soát người khác, vì mục đích bóc lột.
Trích Điều 3, Nghị định thư của LHQ về phòng, chống và trừng phạt việc buôn bán người (đặc biệt là phụ nữ và trẻ em)
Công tác tuyên truyền về phòng, chống mua bán người cũng được coi trọng. Sở LĐ-TB&XH đã chọn TX An Nhơn để lắp đặt pa nô tuyên truyền về công tác phòng chống mua bán người. Đồng thời phối hợp với Báo Bình Định tuyên truyền Chương trình phòng, chống mua bán người và kết quả thực hiện công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân mua bán trên địa bàn tỉnh Bình Định.
Đến thời điểm hiện tại, việc nâng cao nhận thức về trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và cộng đồng đối với công tác phòng, chống mua bán người đã được quan tâm đúng mức. Mạng lưới cộng tác viên cơ sở, cán bộ hội, đoàn thể, các địa phương tập trung tuyên truyền về mối hiểm họa của mua bán người, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân bị mua bán. Qua đó, huy động người dân, mọi gia đình và chính quyền địa phương tăng cường cảnh giác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, góp phần xây dựng địa phương lành mạnh.
Thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), 90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ, trẻ em; trên 80% là dân tộc ít người; hơn 80% nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; 85% nạn nhân bị bán ra nước ngoài, trong đó bị bán sang Trung Quốc trên 75% và chủ yếu tập trung ở các tỉnh biên giới phía Bắc. Đa số nạn nhân là phụ phữ bị lừa bán ra nước ngoài bị cưỡng ép kết hôn, làm vợ người dân bản địa và bị bóc lột tình dục.
Ông Phan Đình Hòa, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trao đổi: “Từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1092/QĐ-UBND đến nay, ở tỉnh ta chưa phát hiện nạn nhân bị mua bán. Nhưng không phải vì vậy mà chủ quan. Việc xây dựng kế hoạch tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, hội, đoàn thể liên quan, chính quyền địa phương và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong công tác này, tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng. Công tác tuyên truyền sẽ được tập trung vào phụ nữ, trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo...”.
Mục tiêu của Kế hoạch tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020: 100% các trường hợp đã tiếp nhận được tiến hành các thủ tục xác minh, xác định nạn nhân và được hưởng các chế độ hỗ trợ ban đầu theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân và người thân trong gia đình có nhu cầu được bảo vệ an toàn theo quy định của pháp luật; 100% nạn nhân sau khi trở về có nhu cầu được hỗ trợ về pháp lý, chế độ theo quy định của pháp luật; 100% xã, phường, thị trấn triển khai kế hoạch này đến các thôn (làng), khu vực, tổ dân phố. Ðến năm 2020, 100% các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh (có người bị mua bán) xây dựng được các mô hình hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán.
NGUYỄN MUỘI