Người trẻ bị đột quỵ gia tăng
Do tác động của lối sống, thời tiết và một số nguyên nhân khác, thời gian gần đây tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ đã tăng lên đáng kể so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người chủ quan với sức khỏe của chính mình, khi cho rằng đột quỵ chỉ xảy đến với người lớn tuổi.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại BVĐK tỉnh.
35 - 40% người đột quỵ ở độ tuổi 40 - 60
“Hiện nay trên mạng xã hội nhiều người chia sẻ các phương pháp “giúp không bị tai biến” (uống nước nấu từ cần tây, chanh, hành tím), hoặc “xử trí bệnh nhân tai biến” (chích 10 đầu ngón tay cho chảy máu)… Ðây là điều Ðông y cũng như Tây y không hề khuyến cáo, chưa có cơ sở khoa học. Do đó, cách tốt nhất khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ là đưa vào bệnh viện kịp thời để được cấp cứu, điều trị đúng phác đồ”.
Bác sĩ ĐỖ TRÍ ĐỨC, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh
Số liệu kể trên buộc tôi phải đến BVĐK tỉnh tìm hiểu rõ vấn đề. Theo kế hoạch, Khoa Thần kinh của Bệnh viện có 33 giường, nhưng Khoa thường xuyên phải bố trí 60 giường, vậy mà vẫn không đủ để tiếp nhận hết số bệnh nhân đến điều trị tại đây. Sáng 26.11, Khoa có tổng cộng 77 bệnh nhân đang nằm điều trị. Theo bác sĩ CKII Hà Thị Phi Điệp, Trưởng khoa Khoa Thần kinh (BVĐK tỉnh), hiện có đến 90% bệnh nhân đang điều trị tại đây là bị đột quỵ. Một số bệnh nhân khác mắc bệnh lý nhẹ về thần kinh đã được chuyển qua các khoa khác, để ưu tiên giường cho bệnh nhân nặng. “Trung bình mỗi ngày Khoa chúng tôi tiếp nhận 15 - 25 bệnh nhân đột quỵ, điều đáng nói là có đến 35 - 40% trong số đó ở độ tuổi 40 - 60. Một vài trường hợp còn ở độ tuổi 36 - 37, chủ yếu bị đột quỵ do xuất huyết não”, bác sĩ Điệp cho hay.
Đơn cử như trường hợp anh T.Q.C. (37 tuổi, ở thị trấn Phú Phong, Tây Sơn), được người nhà phát hiện có dấu hiệu đột quỵ đã chuyển đến BVĐK tỉnh. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng, lại qua “khung giờ vàng” nên hiện vẫn còn lơ mơ, có nguy cơ liệt nửa người. Theo người nhà anh C., trước đây tuy đã được chẩn đoán mắc chứng huyết áp cao, nhưng anh không uống thuốc điều trị vì cho rằng còn trẻ, sẽ không bị ảnh hưởng gì. Thế nhưng sau khi uống rượu với bạn về, anh C. nói ngọng, xụi tay nên phải vào viện cấp cứu.
Phòng ngừa, điều trị sớm để giảm di chứng
Bác sĩ Hà Thị Phi Điệp cho biết, nguyên nhân chủ yếu gây đột quỵ là do bệnh nhân bị huyết áp cao, đái tháo đường, rối loạn lipid máu… Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người bệnh không gặp các chứng trên vẫn bị xuất huyết não. Do đó, những người trong nhóm nguy cơ phải lưu ý khi thay đổi khí hậu, môi trường; kiểm soát huyết áp; kiểm tra mỡ máu, đường máu định kỳ 3 - 6 tháng/lần; những người đã phát hiện bệnh cần được điều trị tích cực hơn, tránh tư tưởng chủ quan.
Theo bác sĩ CKII Phan Nam Hùng, Phó Trưởng khoa Khoa Nội - Tim mạch (BVĐK tỉnh), có một nghịch lý là việc chẩn đoán huyết áp khá đơn giản, nhưng rất ít người chịu đo, theo dõi huyết áp của mình; nhiều người trong nhiều năm liền không hề biết chỉ số huyết áp của mình. Đặc biệt là có không ít người biết huyết áp cao nhưng lại không điều trị, vẫn dùng bia rượu, thuốc lá, ăn nhiều muối… Cùng với đó, không ít bác sĩ chưa thành thạo, nhuần nhuyễn trong việc phối hợp các loại thuốc cho bệnh nhân để đưa huyết áp về mục tiêu. Trước đây, quan niệm người có huyết áp 140/90 là huyết áp cao, thì nay định nghĩa người tăng huyết áp có chỉ số 130/80. “Quản lý tốt huyết áp sẽ giúp giảm suy tim, đột quỵ. Do đó, phải chăm sóc có chiều sâu, lâu dài; phải có sự phối hợp giữa bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế và cộng đồng để giảm tình trạng đột quỵ, nhất là ở những người trẻ là trụ cột, lao động chính trong gia đình. Người bị đột quỵ nếu may mắn được cứu sống khả năng hồi phục thấp, khiến người bệnh mất khả năng lao động và còn phải có người chăm sóc thường xuyên, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Nam Hùng nhấn mạnh.
Hiện nay, BVĐK tỉnh là một trong số 50 cơ sở y tế tại Việt Nam có quy trình can thiệp đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ khi được đưa đến đây trong vòng 6 giờ (tốt nhất là 3,5 - 4 giờ) kể từ khi phát hiện dấu hiệu đột quỵ sẽ được chẩn đoán, theo dõi và tiến hành các kỹ thuật tốt nhất (tiêu sợi huyết, lấy huyết khối…), giảm nguy cơ tử vong và di chứng do đột quỵ. Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của BVĐK tỉnh, chỉ có khoảng 7% bệnh nhân đột quỵ được đưa đến bệnh viện trong “khung giờ vàng” (tỉ lệ chung ở Việt Nam là khoảng 10%).
Dấu hiệu nhận biết bệnh nhân đột quỵ:
* Méo miệng: biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
* Yếu liệt tay chân: Ðánh giá bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao.
* Ngôn ngữ bất thường: đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có hiểu hay không, có lặp lại được không, nhận xét giọng nói có bị đơ hay không.
Khi xuất hiện các triệu chứng trên một cách đột ngột, cần đưa bệnh nhân đến ngay bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
LÊ CƯỜNG