Nhân rộng mô hình thâm canh, chế biến kiệu
Sở KH&CN vừa tiến hành thanh tra về quản lý, tổ chức thực hiện chương trình Nông thôn miền núi giai đoạn từ 2011 đến nay đối với dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng kiệu tại huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định”, do Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh chủ trì thực hiện, với chuyển giao công nghệ từ Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ cho các hộ dân triển khai thực hiện. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 3,8 tỉ đồng.
Kết quả thanh tra của Sở KH&CN về tổ chức triển khai thực hiện dự án cho thấy, việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương và địa phương của dự án đúng theo quy định, đúng mục đích của dự án đề ra.
Kết quả kiểm tra thực tiễn mô hình của dự án vẫn duy trì hoạt động hiệu quả và có triển vọng nhân rộng. Trong đó, mô hình thâm canh kiệu triển khai tại các hộ dân của các xã Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa và Mỹ Trinh đã được hướng dẫn kỹ thuật trồng, năng suất kiệu đạt cao hơn so với cây kiệu trồng theo kỹ thuật truyền thống; mức độ nhiễm bệnh thối củ giảm so với trước.
Kiểm tra mô hình chế biến kiệu đóng hộp được xây dựng tại Cơ sở Sản xuất - phân phối Ngọc Lan (thôn Bình Trị, xã Mỹ Quang) hàng năm cơ sở chế biến kiệu ngâm chua ngọt đóng hộp cho mùa vụ chính để phục vụ dịp Tết Nguyên đán, năng suất 1.500 kg sản phẩm. Đối với mùa vụ thường, năng suất khoảng 120 kg sản phẩm/tháng. Hiện, cơ sở đã có nguồn ra ổn định, sản phẩm không đủ cung cấp cho khách hàng, nhưng thiếu vốn đầu tư và gặp một số khó khăn nên chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất.
Trên cơ sở kết quả thanh tra, Sở KH&CN đã đề nghị cơ quan chủ trì dự án có kế hoạch phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng kết quả của dự án đến các hộ dân có nhu cầu thâm canh, chế biến kiệu trên địa bàn các xã triển khai mô hình của huyện Phù Mỹ.
HOÀNG ANH