Ứng dụng GIS quản lý cơ sở dữ liệu đê điều
“Số hóa” toàn bộ cơ sở dữ liệu và ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) đáp ứng yêu cầu, giúp chủ động trong công tác quản lý đê điều, duy tu sửa chữa và ứng cứu hộ đê trong mùa lũ. Ðây là những kết quả đến từ nghiên cứu “Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ phục vụ quản lý hệ thống đê điều tỉnh Bình Ðịnh”.
Ứng dụng công nghệ “số hóa” cơ sở dữ liệu và đưa công nghệ GIS vào quản lý giúp công tác quản lý đê điều, duy tu sửa chữa và ứng cứu hộ đê trong mùa lũ chủ động hơn.
- Trong ảnh: Đê khu Đông qua địa bàn xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) vừa được đầu tư nâng cấp kiên cố. Ảnh: NGUYỄN HÂN
Đây là nghiên cứu được Chi cục Thủy lợi (thuộc Sở NN&PTNT) “đặt hàng” cho TS Ngô Anh Tú, Phó trưởng khoa Địa lí - Địa chính (Trường ĐH Quy Nhơn) - chủ nhiệm đề tài, nhằm ứng dụng khoa học vào công tác quản lý hệ thống đê điều của tỉnh. Hệ thống đê điều của tỉnh có khoảng 657 km, làm nhiệm vụ bảo vệ dân sinh và sản xuất tại những vùng xung yếu thường xuyên bị lũ lụt, hoặc những đoạn sông bị xói lở. Tuy nhiên, mới có 240 km đê sông được đầu tư xây dựng, nâng cấp kiên cố, tập trung chủ yếu ở các sông lớn như sông Lại Giang, La Tinh, sông Côn, Hà Thanh và một số dòng suối chính; còn lại chưa được đầu tư xây dựng.
Theo ông Tú, đến thời điểm hiện tại, công tác quản lý hồ sơ dữ liệu đê điều chủ yếu làm thủ công, lập hồ sơ lý lịch đê điều bằng sổ sách, không thể nắm được chi tiết toàn bộ các tuyến đê, thông số kỹ thuật, vị trí, hiện trạng và lịch sử, hình ảnh thực tế, các vết lũ vượt qua đê... Đặc biệt, không thể phân cấp loại đê, không nắm hết được hành lang an toàn đê cần bảo vệ, vùng bảo vệ dân cư của các tuyến đê, dẫn đến thông tin đê điều của tỉnh không đầy đủ, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho quản lý, đầu tư xây dựng, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai...
Nhiều tồn tại trong công tác quản lý đê điều khi quy hoạch các tuyến sông Bình Định vẫn chưa có quy hoạch đê điều. Vì vậy, trên hệ thống đê chưa có phân cấp đê; các tuyến đê kè chưa được đầu tư đồng bộ, bị động, vùng bảo vệ chưa rõ ràng. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách quản lý đê điều còn mỏng, hiện các Trạm thủy lợi của Chi cục Thủy lợi mới quản lý, vận hành 78/657 km của hệ thống đê Đông - Hà Thanh và đê La Tinh, chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ (12%) trên hệ thống đê điều của tỉnh.
Cũng theo tác giả nghiên cứu, ứng dụng GIS được phát triển về chức năng lẫn các nền tảng ứng dụng trên web hay còn gọi là WebGIS ngày càng phổ biến. Trên thực tế, đã có nhiều công trình nghiên cứu ứng dụng WebGIS trong quản lý đê điều trong và ngoài nước. Ngoài ra, Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão cũng thực hiện xây dựng chương trình ứng dụng GIS nhằm quản lý dữ liệu cơ bản hệ thống đê điều cho một số tỉnh ở phía Bắc và Bắc Trung bộ, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Trên cơ sở nghiên cứu các dữ liệu trong quá trình khảo sát thực tế 2 năm qua, nhóm nghiên cứu đã ứng dụng phần mềm để số hóa và lưu trữ dữ liệu đê điều của tỉnh. Đồng thời, đồng bộ dữ liệu sang định dạng GeoJSON - đây là định dạng dữ liệu khá phổ biến, được ứng dụng nhiều trong lĩnh vực GIS với các đặc tính cho phép truy vấn nhanh chóng các thông tin cần thiết, biên tập các đối tượng không gian trực tiếp trên bản đồ...
Hệ thống phần mềm ngoài việc cung cấp công cụ tra cứu, tìm kiếm thông tin thuộc tính và không gian của các tuyên đê, kè, hệ thống công trình trên đê... còn được tích hợp các thông tin sông suối, ao, hồ, đầm, ranh giới đơn vị hành chính, giao thông, trung tâm hành chính... giúp nhà quản lý có cái nhìn trực quan nhất.
“Xây dựng phần mềm WebGIS với dữ liệu không gian (bản đồ) và giao diện đồ họa được thiết kế nhằm tạo điều kiện cho người dùng điều khiển trực tiếp trên các thiết bị có kết nối internet. Cơ sở dữ liệu này cho phép cán bộ Chi cục Thủy lợi truy xuất, cập nhật các số liệu liên quan nhanh chóng và chính xác nhất để phục vụ công tác quản lý hiệu quả. Nghiên cứu này là nền tảng trong nghiên cứu và ứng công nghệ địa - tin học nhằm thu thập dữ liệu thực tế cũng như thứ cấp để xây dựng cơ sở dữ liệu đê điều theo chuẩn hiện hành, đồng thời phát triển phần mềm GIS quản lý dữ liệu”, ông Tú cho hay.
Tại nghiệm thu kết quả nghiên cứu mới đây, Phó Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Hữu Hà, Chủ tịch Hội đồng KH&CN tỉnh đánh giá cao những đóng góp thực tiễn của đề tài. Còn dưới góc nhìn của chuyên gia về công nghệ thông tin, TS Võ Gia Nghĩa - Phó Giám đốc Sở TT&TT đánh giá cao nghiên cứu, nhất là những kỹ thuật liên quan đến việc “số hóa” số liệu khảo sát và xây dựng bản đồ chuyên đề. “Vấn đề là việc chuyển đổi công tác quản lý hệ thống đê điều của tỉnh từ thủ công sang quản lý số cần mở rộng từ “số hóa” cơ sở dữ liệu cho đến số hóa cả quy trình lẫn quản lý. Mặt khác, không chỉ dừng ở phục vụ cho công tác quản lý của Chi cục Thủy lợi tỉnh, mà cần tính đến mức độ phân cấp cho các địa phương và khả năng tương tác với hệ thống WebGIS”, ông Nghĩa đặt vấn đề.
MAI HOÀNG