Bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa: Tiến tới xóa bỏ “bệnh thành tích”
Từ ngày 5.11, Nghị định số 122/2018/NÐ-CP của Chính phủ về xét tặng danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn văn hóa, Tổ dân phố văn hóa... có hiệu lực thi hành. Nghị định với nhiều quy định chặt chẽ hơn nhằm nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Các gia đình ở thôn Cự Tài 2, xã Hoài Phú, huyện Hoài Nhơn, nhận bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh về đạt danh hiệu Gia đình văn hóa xuất sắc năm 2018 (ảnh mang tính minh họa).
Bệnh thành tích
Theo báo cáo của các địa phương, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 402.764 gia đình được công nhận Gia đình văn hóa, chiếm tỉ lệ 97,1% (tăng 2,1% gia đình so với năm 2016); có 833 khu dân cư (KDC) được công nhận KDC văn hóa, chiếm 74,2% (tăng 33 KDC so với năm 2016); hầu hết KDC không có trẻ em bỏ học; 98% KDC không có người sinh con thứ 3 trở lên... Lẽ ra, đây là thành tích đáng mừng. Nhưng những con số “rất đẹp” này lại tạo nên những tranh luận trong dư luận về căn bệnh thành tích, hình thức mà ngay cả lãnh đạo sở, ngành và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thừa nhận.
Hơn 15 năm, cuộc vận động và phong trào xây dựng gia đình văn hóa ở các địa phương trong tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng nếp sống văn minh, tuân thủ pháp luật, giữ gìn lối sống và thuần phong mỹ tục của dân tộc, động viên cộng đồng phát triển KT-XH. Song, nghịch lý ở một số địa phương là số lượng đạt chuẩn Gia đình văn hóa theo báo cáo chiếm tỉ lệ rất cao, nhưng thực trạng đời sống văn hóa - xã hội lại xuống cấp và diễn biến phức tạp, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, mất ANTT gia tăng. Ông Trần Đình Vượng, 82 tuổi, tổ 2, KV11, phường Ngô Mây, TP Quy Nhơn, cho biết: “Việc xét chọn và trao tặng danh hiệu Gia đình văn hóa hiện nay được làm một cách chiếu lệ và phụ thuộc vào báo cáo của người đứng đầu khu dân cư, dựa theo phiếu điều tra được phát cho các gia đình tự đánh giá theo tiêu chí ghi trong đó, rồi nộp lên trên. Khi họp toàn dân thì cả nể, ngại va chạm nên nhiều hộ gia đình được công nhận Gia đình văn hóa nhưng có người vi phạm pháp luật, môi trường thì ô nhiễm, hàng quán bày bán la liệt tràn ra cả lòng lề đường, trẻ em, người lớn văng tục, chửi thề… Điển hình như một số hộ gia đình ở đường Võ Văn Dũng, Hoàng Văn Thụ… còn lấn chiếm vỉa hè, hàng xóm gây gổ, xích mích với nhau”.
Việc cán bộ KDC, phường, xã muốn “làm đẹp” các con số, báo cáo không khách quan, đầy đủ, chạy theo thành tích diễn ra ở nhiều nơi. Ông Thân Văn Sang, Trưởng thôn M6, xã Bình Tân, huyện Tây Sơn, cho biết: “Vừa qua, có 234/234 hộ gia đình (trong đó có 63 hộ đồng bào dân tộc thiểu số) tự chấm đạt Gia đình văn hóa. Sau khi Ban công tác Mặt trận thôn rà soát lại thì có 2 hộ không đạt Gia đình văn hóa vì vi phạm phá rừng làm nương rẫy. Khi trình lên xã, thêm 28 hộ tiếp tục bị chấm không đạt vì vi phạm phá rừng, tranh chấp đất, hàng rào khi làm sổ đỏ”.
Chấm dứt bình xét thiếu công khai
Khắc phục tình trạng trên, Nghị định số 122/2018/NĐ-CP đã đưa ra các nguyên tắc cơ bản của việc bình xét và 4 nhóm giải pháp, gồm: Xây dựng tiêu chí bình xét danh hiệu; Thang điểm và phương thức chấm điểm; Quy trình xét tặng và Biện pháp quản lý nhà nước. Nghị định quy định việc bình xét, công nhận danh hiệu được xây dựng dựa trên các nguyên tắc bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác và công khai; thực hiện trên cơ sở tự nguyện và chỉ xét tặng khi hộ gia đình, khu dân cư có đăng ký tham gia.
Thang điểm và cách chấm điểm đối với các danh hiệu văn hóa là quy định đáng chú ý tại Nghị định 122. Theo đó, quy định thang điểm tối đa là 100 và được phân theo các khu vực. Cụ thể: Đối với danh hiệu Gia đình văn hóa, hộ gia đình thuộc các quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt từ 90 điểm trở lên; hộ gia đình thuộc các xã, thị trấn thuộc khu vực miền núi, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn hoặc hộ nghèo, hộ cận nghèo đạt từ 60 điểm trở lên. Hộ gia đình không thuộc 2 đối tượng trên phải đạt từ 85 điểm trở lên.
Đối với danh hiệu KDC văn hóa, Nghị định 122 quy định: KDC thuộc quận, huyện tại thành phố trực thuộc Trung ương đạt từ 90 điểm trở lên; KDC thuộc các xã, phường, thị trấn miền núi, hải đảo hoặc xã đặc biệt khó khăn đạt từ 60 điểm trở lên; KDC không thuộc 2 khu vực nêu trên đạt từ 80 điểm trở lên.
Đặc biệt, điểm mới của Nghị định là Giấy khen các danh hiệu Gia đình văn hóa, KDC văn hóa được tặng không quá 15% trên tổng số gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa đủ 3 năm liên tục, KDC được công nhận danh hiệu KDC văn hóa đủ 5 năm liên tục. Các trường hợp không xét tặng danh hiệu KDC văn hóa là những KDC vi phạm một trong các trường hợp: Có khiếu kiện đông người và khiếu kiện vượt cấp trái pháp luật; có điểm, tụ điểm ma túy, mại dâm; có hoạt động lợi dụng tôn giáo vi phạm pháp luật.
Theo ông Hồ Sĩ Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự ra đời của Nghị định 112 tiếp tục là hành động cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương về văn hóa, nổi bật là Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XII) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị định mới về xét tặng danh hiệu gia đình văn hóa, làng, thôn, tổ dân phố văn hóa, có nhiều quy định chặt chẽ hơn trong việc bình xét và phong tặng các danh hiệu văn hóa.
Hy vọng rằng, với Nghị định 112, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp trong tỉnh cần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện nghiêm túc Nghị định để việc công nhận các danh hiệu văn hóa thực chất hơn; thể hiện sự minh bạch, công bằng, phát huy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân để xây dựng các phong trào văn hóa.
CÔNG HIẾU