Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để hỗ trợ phát triển chăn nuôi
(BĐ) - Đó là nội dung của Hội nghị bàn giải pháp liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi và hỗ trợ phát triển chăn nuôi bền vững do Sở NN&PTNT tổ chức ngày 29.11, tại TP Quy Nhơn.
Quang cảnh hội nghị
Theo Sở NN&PTNT, năm 2018, tình hình chăn nuôi đã có dấu hiệu phục hồi, giá heo hơi tăng cao, hoạt động chuỗi liên kết cung ứng heo hơi cho thị trường Đà Nẵng bước đầu mang lại hiệu quả, số cơ sở đăng ký chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm tăng cao. Tuy nhiên, đầu ra sản phẩm còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định; người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Việc liên kết sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị bước đầu hình thành tại một số địa phương nhưng chưa bền vững và chưa được nhân rộng. DN và người chăn nuôi chưa thật sự tin tưởng nhau, trong khi đó, sự kết nối của chính quyền địa phương với hoạt động này chưa thực sự rõ nét, nên DN ngại đầu tư thực hiện liên kết.
Qua hội nghị này, ngành Nông nghiệp mong muốn các DN, nhất là 13 DN có nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh phối hợp cùng chính quyền địa phương và nông dân thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư phát triển chăn nuôi bền vững.
Tại hội nghị, các DN sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi và DN cung ứng con giống vật nuôi cho rằng, việc thu mua sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh phục vụ cho chế biến thức ăn chăn nuôi đã được DN triển khai bằng nhiều biện pháp nhưng hiệu quả không như mong muốn. Nguyên nhân là do ruộng đất manh mún, nông dân không sản xuất tập trung, nên việc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm nông nghiệp không cao, tạp chất và ẩm mốc nhiều, không đảm bảo yêu cầu để chế biến thức ăn chăn nuôi. Các DN đề nghị ngành chức năng, chính quyền các địa phương nên quy hoạch vùng sản xuất tập trung; tư vấn, hướng dẫn nông dân lựa chọn và sử dụng các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt; chú trọng khâu bảo quản sản phẩm; đồng thời chỉ đạo các HTX là đơn vị đầu mối đứng ra ký kết thực hiện các liên kết chuỗi.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sở NN&PTNT tiếp thu và tổng hợp ý kiến đóng góp của các DN để trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Bên cạnh đó, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung; phối hợp, hỗ trợ DN và các địa phương triển khai thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất bắp, mì, đậu phụng gắn với việc thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Các DN chủ động liên hệ với Phòng NN&PTNT, UBND các xã, thị trấn để khảo sát điều kiện đất đai, bàn bạc và thống nhất phương án thực hiện, nhất là chính sách đầu tư, bao tiêu sản phẩm, giá cả … tạo sự đồng thuận của các hộ dân trước khi triển khai thực hiện, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên khi tham gia liên kết.
T.SỸ