Việt Nam cần làm gì để đón nhận làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc?
Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của các công ty nước ngoài để chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang. Điều này đặt Việt Nam đứng trước những thách thức mới.
Rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài có kế hoạch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh tác động xấu của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và chi phí sản xuất ngày càng tăng ở đại lục.
Ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế lên khoảng một nửa sản phẩm nhập khẩu của Trung Quốc, các công ty nước ngoài đã rục rịch tìm kiếm nhà cung ứng mới ở những nước khác.
Điều này đã tạo ra một làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng xuyên biên giới lớn nhất ở Trung Quốc, đặt các công ty đứng trước một cuộc cạnh tranh khốc liệt nhằm đảm bảo tìm được điểm đến phù hợp và xây dựng lại chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.
Việt Nam và Thái Lan đang nổi lên là những điểm đến phù hợp nhất, song vẫn còn nhiều trở ngại Việt Nam cần vượt qua để nắm bắt được lợi thế này.
Nhiều cơ hội mới
Hồi tháng 6, Man Wah Holdings - một hãng sản xuất đồ nội thất Hong Kong sở hữu nhiều nhà máy ở Trung Quốc, đã mua một công ty sản xuất và xuất khẩu sofa ở Việt Nam với giá 68 triệu USD và muốn tăng gấp 3 công suất lên 373.000 m2 vào cuối năm 2019.
BW Industrial - nhà cung cấp bất động sản công nghiệp cho thuê và dịch vụ logistics lớn nhất Việt Nam cho biết, dịch vụ của công ty bắt đầu nở rộ từ tháng 10. Hiện tất cả nhà máy của BW Industrial đã cho thuê hết. Khách hàng đến từ nhiều nước trên thế giới và có nhà máy sản xuất tại Trung Quốc, song họ cần chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam và bắt đầu hoạt động ngay.
KCE Electronics, nhà sản xuất và cung cấp các bảng mạch in điện tử hàng đầu ở Đông Nam Á, cũng đang đau đầu trong việc lựa chọn đối tác là hàng loạt công ty của Mỹ muốn tìm kiếm một nhà cung ứng mới tại Việt Nam để thay thế chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.
Rào cản
Để trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, cạnh tranh với những đối thủ tiềm năng khác trong khu vực như Thái Lan, Campuchia và cả Trung Quốc, Việt Nam cần giải quyết tốt những hạn chế về môi trường pháp lý.
Ngoài ra, để dịch chuyển dây chuyền sản xuất, các công ty nước ngoài phải đối mặt với một loạt khó khăn như đảm bảo nguồn vốn, tìm kiếm các nhà cung ứng phù hợp và lựa chọn các dịch vụ hậu cần và trên hết là phải tính toán tới khía cạnh cạnh tranh với chi phí lao động của Trung Quốc.
Sự tinh xảo của Trung Quốc trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như các phương tiện tự động, hiện chưa có nước nào có thể thay thể được.
Với Việt Nam, chỉ số sản xuất tuy đứng đầu châu Á, song vẫn chưa đạt đỉnh điểm.
Việc thiếu cơ sở hạ tầng cũng là một rào cản mà các công ty sẽ phải tính đến khi lựa chọn kinh doanh tại Việt Nam. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Thái Lan xếp thứ 41 về chất lượng cơ sở hạ tầng, Việt Nam đứng thứ 47, Trung Quốc xếp thứ 20.
Thái Lan đang nỗ lực phát triển dự án Hành lang kinh tế phía đông, một dự án đầy tham vọng trị giá 45 tỉ USD nhằm lôi kéo đầu tư vào các ngành công nghiệp tiên tiến, xây dựng thêm các cơ sở hạ tầng như đường sắt, sân bay và cảng biển.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn còn là một “nút thắt cổ chai”, tham nhũng vẫn còn tồn tại và lao động tay nghề chưa thể đáp ứng nhu cầu.
Hồng Hà (theo Reuters)