Làm kinh tế giỏi, quan tâm đến người lao động
Chị Trần Thị Út (46 tuổi) là chủ cơ sở may Hồng Hưng ở khu phố An Bình, thị trấn Ngô Mây (huyện Phù Cát). Với quyết tâm làm giàu và sự nhạy bén, mạnh dạn trong làm ăn, chị Út đã xây dựng được một cơ sở may mặc có uy tín, tạo thu nhập đáng kể cho gia đình và việc làm thường xuyên cho nhiều lao động ở địa phương.
Chị Út (đứng) kiểm tra sản phẩm công nhân vừa may xong.
Sau nhiều năm bôn ba làm nhiều công việc ở TP Hồ Chí Minh nhưng thu nhập cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, qua thời gian tìm hiểu, chị Út quyết định trở về quê lập nghiệp bằng nghề may.
Với số vốn tích cóp được trong thời gian lao động tại TP Hồ Chí Minh và vay mượn thêm của người thân, năm 2006 chị Út đầu tư 90 triệu đồng mua 10 máy may công nghiệp và tuyển lao động mở cơ sở may Hồng Hưng ngay tại nhà, may 2 mặt hàng chính là quần áo bộ và áo khoác nữ. Nhờ tìm hiểu kỹ và có thời gian làm việc trong lĩnh vực may mặc nên chị Út đã tìm được nguồn vải nguyên liệu có chất lượng, giá cả hợp lý ở TP Hồ Chí Minh để về may quần áo, bán sỉ cho các chợ, đại lý trong và ngoài địa phương.
Chị Út chia sẻ: “Ban đầu cơ sở cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là vốn và việc tiêu thụ. Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm, đảm bảo nguồn vốn quay vòng sản xuất và trả lương công nhân, tôi thường xuyên đến các chợ, cửa hàng quần áo, các đại lý để giới thiệu, gửi bán thử và tìm hiểu những mẫu mã mới đang được thị trường ưa chuộng để thiết kế, gia công và hướng dẫn công nhân cắt may. Đồng thời, lấy phương châm chất lượng, uy tín và giá cả hợp lý làm hàng đầu nên các sản phẩm của cơ sở làm ra dần được nhiều người biết đến và tiêu thụ mạnh”.
Có thu nhập, chị Út tiếp tục đầu tư mua thêm máy móc, nguyên vật liệu, tuyển thêm lao động mở rộng quy mô cơ sở. Hiện tại, cơ sở may Hồng Hưng có 40 máy may công nghiệp, 2 bàn cắt với 40 lao động thường xuyên làm việc tại cơ sở và nhiều người nhận hàng về làm tại nhà. Hiện sản phẩm của cơ sở chị Út đã có mặt ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước. Nhờ đó, gia đình chị có thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm, người lao động có thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Nhân các dịp lễ, tết, chị Út đều tặng quà, tổ chức cho công nhân đi tham quan trong và ngoài địa phương. Đặc biệt, những công nhân ốm đau, hoạn nạn đột xuất, chị đều sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ, tạo sự gắn bó giữa chủ cơ sở với người lao động, giúp họ yên tâm làm việc.
Bà Phạm Thị Hà, chi hội trưởng chi hội phụ nữ khu phố An Bình, cho biết: “Không những làm kinh tế giỏi, chị Trần Thị Út còn nhiệt tình tham gia các phong trào của hội phụ nữ địa phương; tích cực đóng góp, ủng hộ kinh phí cho các hoạt động của khu phố. Đồng thời, chị Út luôn sống chan hòa, gần gũi với bà con lối xóm, được nhiều người quý mến. Nhiều năm liền, gia đình chị Út được công nhận gia đình văn hóa xuất sắc, gia đình hiếu học, gia đình sức khỏe”.
TRƯỜNG GIANG