Một quãng âm xanh
Tự dưng nhớ một người bạn đã khuất núi.
Nếu bạn còn sống, có lẽ tôi không nhớ như thế này.
Hắn ở nông thôn, tôi ở thị trấn. Hắn trọ học cách nhà tôi nửa cây số, hôm nào cũng đứng chờ tôi ra để cùng đến trường. Hai đứa thân nhau suốt thời cấp hai rồi cấp ba. Chiều thứ bảy nào hắn về quê, là sáng thứ hai kế tiếp hắn bổ nhào qua ngõ nhà tôi huýt sáo. Con Vàng nhà tôi quen tiếng, ngoáy tít đuôi rối rít. Hắn bảo tôi sao thấy hắn mà mặt ngơ ngơ, xa không nhớ gặp không mừng không phải là bạn. Tôi chỉ con Vàng, hắn nói tôi xạo, hehe.
Bạn tôi ấy mà, chuyên đứng nhìn người khác chọc tức tôi, cười cười trong khi tôi ứa nước mắt, được cái chịu khó lang thang với tôi qua rất nhiều ngả đường, chờ nước mắt tôi tự khô, rồi nói nhát gừng: “Đồ con nít!”
Bạn tôi ấy mà, cao mét bảy tám, trong khi tôi chẵn mét rưỡi, nên thường gọi hắn là Nhà chọc trời, có lần tôi nghếch mũi hỏi hắn: “Trên đó mát không? Dưới này nóng quá!”. Hắn cười khì khì, ra dấu bảo tôi lên lưng, hắn cõng đi. Có mà dại, có mà người ta đồn bậy. “Đồn gì? Nói nghe thử coi!”. Hắn tinh nghịch hỏi, tôi giả đò không nghe, có mà ngu mới trả lời những câu gài gài như vậy. Những buổi chiều lao động công ích ở trường, xong việc, Nhà chọc trời gọi tôi: “Hột mít, đi nào!” Thế là hai đứa đi tà tà từ sân trường qua cổng sau, vào vườn ươn xem các cô chú công nhân chăm cây con. Thói mê cây của tôi được nhen nhóm từ hồi ấy, có lẽ lây từ hắn.
Tôi và hắn đỗ đại học, đứa vô Sài Gòn, đứa ra Huế. Không thư. Không điện thoại. Nhưng về Tết về hè cứ vài ba ngày là gặp nhau. Không biết cái ghế đẩu nhà tôi mòn hay đít quần hắn mòn. Tôi có người cậu ruột đặc biệt nghiêm khắc, những bạn khác của tôi rất ngại gặp cậu, nhưng hắn thì không.
Vườn sau nhà tôi có cây ổi. Mùa ổi chín cậu tôi hay treo lồng chim mồi trên các nhánh ổi để nhử bắt bọn chóp quạch non. Khi ổi chín thì mùa hè cũng chín, bạn tôi và tôi mỗi đứa vắt vẻo trên một nhánh cây, vừa gặm ổi vừa véo von trời bể. Chim mồi dĩ nhiên nín thinh không hót, chóp quạch non dĩ nhiên không về. Cậu tôi ra chắp tay vái lên cây ổi: “Trời đất quơi! Tui lạy hai ngài, hai ngài thượng lên cây cả buổi hèn chi lũ chóp quạch không bén mảng!”. Hai đứa len lét trèo xuống khỏi cây ổi, len lét vượt qua trường-thị-giác của cậu, rồi nhịn không nổi, phá lên cười, cười đến đau cả ruột. Cậu tôi lầm bầm với mẹ tôi: “Cô Sáu, hai cái đứa này lạ, không phải bồ bịch trai gái mà chuyện gì nói với nhau ngày này qua ngày khác không biết chán?!”.
Tôi với hắn ra trường, đi làm, không mấy khi gặp nhau nữa. Rồi tôi lấy chồng, hắn về dự cưới, mặt ngơ ngơ không ra buồn không ra vui. Chỉ có con Vàng là vẫn ngoáy tít đuôi quanh chân hắn. Nhiều bạn hát chia vui. Hắn không hát, ôm cây đàn guitar dạo một bài gọi là chúc mừng. Một đứa nhiều chuyện hỏi hắn sao mày đánh nhạc mừng mà nghe thấm thía buồn. Hắn cười: “Có lẽ lỗ tai mày buồn đó, tao vui mà”. Sau này, cái đứa nhiều chuyện kia kể với tôi, hắn ra bến sông ngồi đàn suốt đêm.
Từ ấy tôi với hắn mỗi năm chỉ gặp lại ngày họp lớp, lại ngồi bên nhau, không ríu rít chuyện trò như hồi đi học nhưng vẫn cảm nhận sự thân thiết vô bờ.
Đơn giản là tuổi xanh đã trôi qua, đơn giản như nước thì phải chảy.
Mấy năm sau bạn tôi cưới vợ. Thi thoảng nghe người này người kia nhắc về hắn, giỏi giang, được nhiều người yêu mến. Bạn mình ấy mà, tôi chỉ kịp nghĩ vậy với chút trìu mến, rồi bị cuốn đi bởi vô vàn bận bịu rối ren của thì hiện tại.
Thế rồi một hôm hắn lao đến nhà tôi, đến nơi thì đứng khựng ở cửa. Cái bóng cao lớn đổ dài qua khung cửa, in xuống nền nhà, giọng hắn thảng thốt: “T ơi! Tui bị K rồi!”
Đó là lần đầu tiên tôi chạm vào khái niệm ung thư, qua tiếng gọi hoang mang của bạn. Tôi cố trấn tỉnh: “Bậy nà, tự nhiên lại nói là bị K, đừng nói bừa!” – “Thiệt mà, tui đi kiểm tra rồi. Là thiệt đó!”
Viết đến đây lòng quặn đau...
Trần Thị Huyền Trang