Phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm: Niềm vui từ một bước tiến dài
Thoát vị đĩa đệm không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, phát hiện, chẩn đoán đúng và điều trị sớm với phương pháp phù hợp sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Mới đây, bằng việc phẫu thuật nội soi điều trị thành công nhiều ca thoát vị đĩa đệm, các bác sĩ của BVÐK tỉnh đã đem lại niềm vui cho nhiều bệnh nhân.
Phẫu thuật nội soi TVĐĐ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống.
Nguy cơ cao ở người trong độ tuổi lao động
Bất kỳ ai trong giai đoạn trưởng thành đều có biểu hiện đau lưng trong một giai đoạn nào đó. Trong đó, có khoảng 30% liên quan đến thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ). Những người càng lớn tuổi, xương khớp bắt đầu thoái hóa, cơ yếu, vòng xơ không còn đàn hồi, trọng lượng cơ thể tăng, nguy cơ bị TVĐĐ càng cao. Xung quanh đĩa đệm giữa các đốt xương sống có vòng xơ, khi vòng xơ yếu đi thì đĩa đệm thoát ra ngoài, gây chèn ép các rễ thần kinh. Bên cạnh đó, những người làm công việc nặng nhọc, phải khuân vác nhiều, chơi thể thao với cường độ cao, xoay trở đột ngột rất dễ bị TVĐĐ. Ngay cả những người thường xuyên ngồi làm việc không đúng tư thế cũng đối mặt với chứng bệnh này.
Bệnh nhân TVÐÐ sau khi được phẫu thuật cần tránh các động tác như: cúi gập quá mức trong 4-6 tuần đầu, xoay người đột ngột, khiêng vác vật nặng, chạy, ngồi lâu. Tốt nhất là bơi lội, đạp xe nhẹ nhàng.
Theo bác sĩ CKII Đào Văn Nhân, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh), trung bình mỗi tuần tại đây phẫu thuật cho 3-4 bệnh nhân TVĐĐ. Trước đây, những người bị TVĐĐ thường ở độ tuổi trên 40, nhưng gần đây hầu hết đều ở trong độ tuổi lao động (20-60 tuổi). Phần lớn trong số đó bị TVĐĐ phần thắt lưng. Những người có các triệu chứng như: đau lưng lan theo rễ thần kinh, đau lưng kèm liệt rễ thần kinh chi phối, đau lưng kèm liệt rễ thần kinh kèm bí tiểu…, cần được khám, chẩn đoán lâm sàng và chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định có bị TVĐĐ hay không.
TVĐĐ có nhiều mức độ khác nhau, do đó, tùy theo tình trạng cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ đưa ra giải pháp điều trị riêng cho từng trường hợp. Một số phương pháp điều trị TVĐĐ đã được triển khai như: điều trị thuốc không can thiệp, châm cứu, vật lý trị liệu, nhóm can thiệp giảm đau ngoài màng cứng, tiêm thuốc và điều trị giảm đau, đốt nhân nhầy đĩa đệm bằng sóng cao tần… Nếu bệnh nhân bị lồi đĩa đệm hoặc thoát vị đĩa đệm trong vòng xơ thường được chỉ định điều trị nội khoa. Nếu sau 4-6 tuần điều trị nội khoa không hiệu quả mới phải phẫu thuật. Riêng với bệnh nhân bị rách vòng xơ, đĩa đệm rớt ra ngoài buộc phải phẫu thuật.
Mổ nội soi - giải pháp hiệu quả cao
Phẫu thuật điều trị TVĐĐ đã được triển khai tại BVĐK tỉnh từ năm 2005, với kỹ thuật mổ hở. Đến năm 2009, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh) triển khai thêm phương pháp mổ bằng ống banh nông có hỗ trợ của nguồn sáng (chiều dài vết thương sau mổ khoảng 3cm). Cách đây 5 năm, các bác sĩ tại đây lần đầu tiên thực hiện kỹ thuật mổ qua vi phẫu (dùng kính vi phẫu để lấy nhân thoát vị), với vết thương khoảng 2cm. Năm 2017, BVĐK tỉnh bước đầu triển khai nội soi lấy nhân thoát vị, nhưng phương pháp này chưa đi vào thường quy vì thiếu dụng cụ. Sau khi được trang bị đầy đủ dụng cụ từ Dự án JICA, đồng thời, một số bác sĩ được tập huấn phẫu thuật nội soi TVĐĐ ở Đức và Hàn Quốc, phương pháp này mới được “khởi động” lại.
Cách đây 2 tuần, bác sĩ S. Pornpavit (Bệnh viện Rajavithi, Thái Lan) cùng ê kíp của ông đã trực tiếp chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật TVĐĐ cho BVĐK tỉnh. Ngay sau đó, bác sĩ khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống đã phẫu thuật thành công 4 ca bằng phương pháp này. Là kỹ thuật rất ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi thoát vị đĩa đệm không tạo vết thương mà chỉ đưa thiết bị vào qua da để lấy khối thoát vị, chỉ phải gây tê tại chỗ. Đây là kỹ thuật đem lại hiệu quả cao trong điều trị, khi bệnh nhân không mất máu, thời gian nằm viện ngắn, nhanh hồi phục hơn.
Là người thường xuyên chơi cầu lông, cách đây 3 tháng, anh Mai Xuân Thịnh (SN 1980, ở TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) cảm thấy bị đau ở vùng gần thắt lưng. Nghĩ rằng chỉ bị đau do vận động sai tư thế trong quá trình chơi thể thao, anh mua thuốc uống, điều trị bằng vật lý trị liệu nhưng không khỏi. Khi được xác định bị TVĐĐ, gia đình sợ phẫu thuật sẽ có nguy cơ bị liệt nên không cho anh điều trị bằng phương pháp này. Nhờ một người bạn từng được phẫu thuật TVĐĐ thành công mách bảo, anh âm thầm xuống BVĐK tỉnh. “Hai ngày nằm viện chờ mổ tôi không tài nào ngủ được vì quá đau. Đến ngày 22.11, tôi được phẫu thuật nội soi. Ca mổ kết thúc, vài giờ sau là tôi đã có thể ngồi dậy. Ngay ngày hôm sau, tôi được xuất viện. Nhìn chung so với lúc mới nhập viện tôi tình trạng đau đớn của tôi đã giảm được tới 80%, hiện phần chân còn tê, tôi vẫn uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Tôi đã có thể đi xe máy, ô tô, ngồi chơi với bạn bè chứ không còn phải nằm một chỗ như trước” - anh Thịnh vui mừng chia sẻ.
Bác sĩ Đào Văn Nhân cho biết, mổ nội soi có tỉ lệ thành công không cao hơn mổ hở (khoảng trên 90%), nhưng giúp bệnh nhân hồi phục nhanh hơn, ít đau đớn hơn. Dẫu vậy, không phải bệnh nhân TVĐĐ nào cũng được chỉ định mổ nội soi. Các trường hợp TVĐĐ kèm hẹp ống sống, kèm trượt đốt sống hoặc kèm hẹp lỗ liên hợp đều phải mổ hở. Bệnh nhân càng phát hiện sớm, điều trị sớm thì khả năng hồi phục càng cao, bởi bệnh càng lâu ngày càng dễ bị teo cơ chi phối cho rễ thần kinh tầng thoát vị, gây rối loạn về cảm giác.
Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người còn e ngại lựa chọn phẫu thuật TVĐĐ là tâm lý sợ bị liệt, nằm một chỗ nếu phẫu thuật không thành công. Tuy nhiên, bác sĩ Nhân cho rằng đây là quan niệm sai lầm, bởi nếu phẫu thuật gây liệt rễ thần kinh can thiệp cũng chỉ ảnh hưởng đến một nhóm cơ chi phối các động tác (ví dụ không thể cử động ngón chân cái hoặc gót chân như ý muốn), chứ không gây liệt toàn thân.
LÊ CƯỜNG