Nên quan tâm đến bệnh nhồi máu cơ tim
Trong các bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim (NMCT) là bệnh khá phổ biến, có xu hướng tăng cao; độ tuổi mắc bệnh đang có xu hướng trẻ dần, tỉ lệ mắc bệnh ở nam nhiều hơn nữ với tỉ lệ tới 4:1.
Biểu hiện điển hình và thường gặp nhất của NMCT là cơn đau thắt ngực với cảm giác đau như bị đè ép, bóp chặt ở giữa ngực, diễn ra trong 5-15 phút. Cơn đau có thể lan lên vai, cổ, hàm hoặc dọc theo cánh tay, đặc biệt là tay trái. Có thể có kèm theo các triệu chứng như vã mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc khó thở. Nhiều trường hợp NMCT không có triệu chứng, có khi lại hết sức đột ngột, biểu hiện bằng biến chứng rối loạn nhịp, ngừng tim...
Đối tượng bị NMCT cao nhất là những người có nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch như béo phì, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm trước tuổi 60. Tuy nhiên, vài trường hợp NMCT xảy ra ngay cả ở người trẻ mặc dù trong quá trình thăm khám không hề thấy có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào. Các yếu tố thúc đẩy đến một cơn NMCT thường không rõ ràng, nó có thể xảy ra khi đang nghỉ ngơi hoặc đang ngủ; hoặc sau khi ta tăng đột ngột hoạt động thể lực, khi hoạt động ngoài trời lạnh, sau một căng thẳng tâm lý.
BSCKII. Phan Nam Hùng, Phó trưởng khoa Nội tim mạch (BVĐK tỉnh), cho biết: “Biểu hiện thông thường nhất của NMCT là đau ngực, cảm giác ngộp thở. Đáng chú ý, hầu hết bệnh nhân thường bỏ qua các dấu hiệu này và chủ quan không đi khám bệnh. Nên biết rằng khoảng 25 - 33% bệnh nhân NMCT chết trước khi kịp đến bệnh viện. Trong số những người đến được bệnh viện có 5-10% cũng sẽ chết do các biến chứng như suy tim, choáng tim, rối loạn nhịp tim. Khi bản thân mình hoặc người thân trong gia đình bị đau ngực nghi ngờ NMCT thì phải đến bệnh viện càng sớm càng tốt”.
Để phòng ngừa nguy cơ bị NMCT, ngoài việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản như kiên trì tập thể dục hàng ngày, thường xuyên luyện tập những bài tập với cường độ vừa phải, khoảng 30 phút/ngày. Điều chỉnh lối sống, chế độ dinh dưỡng hợp lý theo hướng dẫn của thầy thuốc. Người bệnh phải đi tái khám định kỳ theo đúng hẹn và không được tự ý bỏ thuốc ngay cả khi có cảm giác khỏe mạnh bình thường.
THÙY VY
(Trung tâm Truyền thông - GDSK)