Thực hiện cánh đồng mẫu lớn ở huyện Phù Cát:
Đem lại hiệu quả kinh tế cao
Vụ Đông Xuân (ĐX) 2012 - 2013, huyện Phù Cát xây dựng 6 cánh đồng mẫu lớn (CĐML), với tổng diện tích 266 ha, có 1.083 nông hộ tham gia thực hiện. Trong đó có 4 cánh đồng sản xuất lúa, tổng diện tích 166 ha; 2 cánh đồng sản xuất đậu phụng, diện tích 100 ha.
Nông dân Phù Cát tham quan cánh đồng mẫu lớn ở xã Cát Tân. Ảnh: H.TRUNG
Vụ ĐX vừa qua, nông dân Nguyễn Lợi, ở thôn Thắng Kiên, xã Cát Khánh, thu hoạch trên diện tích 1,5 sào ruộng được hơn 540 kg thóc, tăng hơn 200 kg so với vụ ĐX các năm trước. Ông Lợi rất phấn khởi bởi chưa bao giờ thửa ruộng của ông đạt sản lượng cao như vậy. Có được kết quả đó là nhờ địa phương triển khai xây dựng CĐML, sản xuất giống lúa nguyên chủng KD28. Năng suất bình quân trên toàn bộ diện tích gần 40 ha của CĐML ở xã Cát Khánh đạt mức 71,3 tạ/ha, tăng hơn 10 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Tham gia xây dựng CĐML ở Phù Cát có 6 doanh nghiệp hỗ trợ về giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật, gồm: Công ty Giống cây trồng Miền Nam; Công ty TNHH Hóa Nông Hợp Trí; Công ty Phân bón Biffa; Công ty Nông lâm nghiệp TBT Quảng Ngãi; Công ty TNHH Cường Tân; Công ty Phân bón Long Mỹ.
Thực hiện chỉ đạo của huyện, từ đầu vụ, Phòng NN-PTNT huyện đã phối hợp với các địa phương tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, tuyên truyền vận động nông dân tham gia thực hiện, tổ chức tập huấn kỹ thuật canh tác để nông dân nắm bắt, ứng dụng vào thực tế. Ông Phan Sĩ Hùng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết: “Các CĐML trên địa bàn huyện đều đạt được mục tiêu đề ra. Hiệu quả kinh tế đạt khá cao, năng suất tăng so với ruộng đối chứng. Nhờ áp dụng có hiệu quả phương pháp 3 giảm 3 tăng, giảm được giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế. Thực hiện CĐML đã giúp quản lý dịch hại tổng hợp tốt, áp dụng chuẩn mực IPM từ khâu phân bón đến khâu BVTV. Trên toàn bộ cánh đồng chỉ sử dụng một loại giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thay cho việc sử dụng nhiều loại giống như trước đây; sản xuất mang tính bền vững; hạn chế dư lượng thuốc BVTV, tránh ô nhiễm môi trường. Đây còn là kết quả của sự phối hợp, liên kết 4 nhà - Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp”.
Kết quả cụ thể, các CĐML sản xuất lúa đạt năng suất trên 70 tạ/ha, tăng từ 8,6 tạ/ha đến 16 tạ/ha so với trước. Ở 2 CĐML sản xuất đậu phụng, năng suất tăng 2-3 tạ/ha. Nhìn chung, chi phí sản xuất ở CĐML giảm từ 1,3 triệu đến gần 4 triệu đồng/ha, nhờ giảm lượng giống, giảm phân bón, thuốc BVTV; lợi nhuận tăng từ 9 triệu đến 12 triệu đồng/ha, nên nông dân rất phấn khởi.
Trước một vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước tưới, nhưng nhờ tham gia thực hiện CĐML nên kết quả khá tích cực, ông Hà Sự - nông dân ở thôn Kiều Huyên, xã Cát Tân, trực tiếp tham gia thực hiện CĐML- cho biết: “Lúc ban đầu bà con chúng tôi rất lo ngại, đến khi cây lúa phát triển tốt và đến giờ này lúa đã chín cho thu hoạch bà con rất mừng. Năng suất lúa từ CĐML đạt rất cao so với trước đây, sâu bệnh ít. Bà con chúng tôi mong địa phương tiếp tục thực hiện CĐML”.
Từ kết quả đạt được và kinh nghiệm của việc thực hiện CĐML trong vụ ĐX 2012-2013, huyện Phù Cát tiếp tục triển khai thực hiện CĐML ở các xã còn lại trong thời gian đến, nhằm góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Trước mắt, vụ Hè Thu và vụ Mùa năm 2013, Phù Cát sẽ tiếp tục thực hiện 8 CĐML, trong đó có 4 cánh đồng sản xuất lúa thương phẩm, 2 cánh đồng sản xuất đậu phụng và 2 cánh đồng sản xuất bắp non.
HOÀI TRUNG