Người giữ nghề gà cồ - chút chít
Bạn có từng mừng rơn khi mẹ mua về món đồ chơi dân gian nào đấy không? Tôi về thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tìm đến nhà ông Huỳnh Thái Sơn, người còn giữ được nghề truyền thống làm các món đồ chơi gà cồ - chút chít của quê hương để tìm lại những ký ức tuổi thơ.
Có lẽ sinh ra ở nơi từng là cảng thị nổi tiếng, nơi có lễ hội Đô thị Nước Mặn hồn hậu nên đồ chơi dân gian An Hòa - tò he, trò chơi bằng gỗ gòn, bài tam cúc, đặc biệt là gà cồ - chút chít - có nhiều nét riêng. Có thể nói ngay, làm đồ chơi dân gian là một phần ký ức đẹp đẽ của người An Hòa.
Ông Huỳnh Thái Sơn tô điểm cho đồ chơi gà cồ - chút chít. Ảnh: NGỌC TÚ
Nghề làm đồ chơi gà cồ - chút chít ở An Hòa vốn bắt nguồn từ gia đình ông Huỳnh Thái Sơn (77 tuổi); có từ lâu đời, tồn tại theo kiểu cha truyền con nối. Nhiều năm trước, thấy nghề mưu sinh được, nhiều hộ dân trong thôn đến xin học. Tuy nhiên, chừng mười năm nay, trừ ông Sơn ra, không còn ai làm gà cồ - chút chít nữa, lý do theo họ là vì trẻ con không còn đắm đuối thứ đồ chơi này như ngày xưa.
Vừa nghe tôi hỏi “gà cồ - chút chít”, gương mặt của ông cụ 77 tuổi sáng ấm lên: “Độ trước nhà tôi chuyên làm đồ chơi này, khi ấy nhà nền đất, nghề cũng bằng đất luôn nhưng không hề bẩn. Nhà tôi ở gần Trường THPT Số 2 Tuy Phước, mấy đứa nhỏ hay quây quần xem chúng tôi làm. Tụi nó mua thổi chơi, cũng có khi lấy chọi nhau để coi con nào… mạnh hơn. Vui lắm! Giờ tôi vẫn giữ đủ đồ nghề làm đồ chơi dân gian dành cho trẻ con đấy!”.
Gà cồ đất là một loại đồ chơi nổi tiếng nhất ở An Hòa, làm bằng đất sét nhào trộn nhuyễn với bông gòn. Những con gà cồ được sơn phết sặc sỡ, vui mắt, rỗng ruột, trên thân có thể gắn còi để trẻ có thể thổi lên những tràng âm thanh rộn rã. Gọi chung là gà cồ nhưng thật ra thợ làm đồ chơi còn có thể làm ra rất nhiều con giống khác nhau để thỏa mãn thị hiếu của trẻ em như: phượng hoàng, hổ, trâu, bò…
Rồi ông kể rành rẽ: “Nói đồ chơi này làm bằng đất sét nhưng không phải chỉ có đất sét. Để chắc, xốp, nhẹ, mình phải nhồi đất sét và bông gòn thật nhuyễn. Khi tạo hình một con vật gì đó, chúng tôi chuẩn bị khuôn trước, còi được làm từ những que trúc nhỏ tầm ngón tay út, phơi khô. Để có nước màu trắng tráng qua lúc gần hoàn thành, phải lấy vỏ sò điệp giã nhuyễn hòa với nước hồ. Bây giờ thì có sẵn sơn màu rồi, thuận tiện, dễ dàng hơn nhiều. Ngày trước bình quân mỗi ngày gia đình tôi làm được vài ba trăm con; nhiều hộ có đơn hàng tốt có thể làm cả ngàn con, làm tới đâu bán hết đó. Không chỉ bán cho bạn hàng lấy sỉ, HTXNN Phước Hưng còn làm hợp đồng mua bán gà cồ - chút chít với tôi hẳn hoi. Nếu bây giờ có đơn hàng lớn, các con tôi sẽ nhồi đất và chúng tôi sẽ cùng nhau làm…”.
Người dân địa phương còn kể tôi nghe, đâu khoảng dịp lễ hội Đô thị Nước Mặn năm 2008, ông Sơn nhớ nghề cũ sao đó, ngẫu hứng làm một lô nhỏ gà cồ - chút chít. Biết tin, mấy người bán buôn bỏ mối sỉ tranh mua với bọn trẻ trong xóm, loáng cái mà hết hàng. Có lễ hội thì lai rai cũng bán được. Mà tôi nghĩ, đừng có nghĩ nó là đồ chơi trẻ con, cứ xem như là một thứ đồ chơi, dùng trưng bày, trang trí chẳng hạn, có khi nhờ đó mà dựng lại được nghề của ông cha mình.
Ngày trước, ở các lễ hội của Tuy Phước như lễ hội Chợ Gò, lễ hội Đô thị Nước Mặn đều có các trò chơi, hoạt động văn hóa dân gian như tò he, thư pháp, gà cồ - chút chít…, nay thì không còn, làm nhiều người luyến tiếc.
Ông Võ Tuấn Khanh, Trưởng Phòng VH&TT huyện Tuy Phước, cho biết: “Để khôi phục lại những nét văn hóa dân gian, trước tiên chúng tôi bắt đầu từ lễ hội. Năm 2019, lễ hội Chợ Gò, lễ hội Đô thị Nước Mặn sẽ quay trở lại với những gì gần gũi nhất. Tại đây, các trò chơi dân gian (tò he, gà cồ - chút chít, cờ người…), thư pháp, hò bá trạo, bài chòi, tuồng… hứa hẹn sẽ tạo ấn tượng sâu sắc cho du khách. Tiếp đó, tại di tích Chùa Bà, chúng tôi sẽ kêu gọi, hỗ trợ nghệ nhân để không chỉ ở lễ hội mà ngày thường du khách cũng có thể mua những sản phẩm lưu niệm của địa phương, chứ không chỉ đến thăm, thắp hương như trước giờ”.
THẢO KHUY