Ðừng chủ quan khi trẻ khò khè
Vào mùa lạnh trẻ dễ mắc bệnh hen phế quản, biểu hiện dễ thấy là những cơn khó khè liên tục. Hiểu đúng về bệnh sẽ giúp cha mẹ có thể phòng ngừa bệnh phế quản cho con.
Khi trẻ bị lên cơn hen phế quản, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời.
Nếu trẻ sinh ra trong một gia đình có cha mẹ không mắc bệnh hen phế quản, nguy cơ bị bệnh hen phế quản của trẻ rất thấp và ngược lại. Về yếu tố cơ địa dị ứng, những đứa trẻ bị chàm, nổi mề đay, viêm mũi dị ứng hay mắc các bệnh dị ứng khác... thì nguy cơ mắc bệnh hen phế quản sẽ cao hơn bình thường. Trẻ sống trong môi trường bị ô nhiễm, thời tiết thường xuyên khắc nghiệt cũng dễ mắc bệnh hơn.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng - Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết: “Biểu hiện cơn hen phế quản là bệnh xuất hiện đột ngột sau khi tiếp xúc với yếu tố dị nguyên, biểu hiện lâm sàng tùy theo mức độ nặng nhẹ. Cơn hen phế quản nhẹ: Trẻ chỉ khò khè, không hoặc khó thở nhẹ. Cơn hen phế quản trung bình: Trẻ khò khè, ngồi thở, thở nhanh, rút lõm lồng ngực. Cơn hen phế quản nặng: Khò khè, ngồi thở, co kéo cơ ức đòn chủm, không ăn uống được, nói từng từ. Cơn hen phế quản dọa ngưng thở: khó thở dữ dội, tím tái, vật vã, hôn mê, bệnh nhân cần phải cấp cứu kịp thời, nếu chậm trễ bệnh nhân có thể tử vong. Thuốc kiểm soát cơn hen: Là nhóm thuốc có tác dụng ngăn ngừa cơn hen bao gồm hai loại thuốc chính: thuốc chống viêm và thuốc giãn phế quản tác dụng kéo dài. Thuốc hiện nay thường được sử dụng là các loại corticoid hít dưới dạng đơn chất: flixotide (fluticasone) hoặc phối hợp: seretide (fluticasone-salmeterol)...Tuy nhiên thuốc kiểm soát cơn hen cần được chỉ định, tư vấn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa”.
Đề phòng bệnh hen phế quản ở trẻ cần mặc ấm và dùng khẩu trang che mũi, miệng cho trẻ, nhất là khi đưa trẻ đi ra khỏi nhà. Chỉ nên tắm cho trẻ khi không có cơn hen, hạn chế làm trẻ lạnh đột ngột sẽ khiến trẻ dễ bị cảm lạnh và làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn hen phế quản trên trẻ có tiền sử mắc bệnh. Hạn chế cho con ra khỏi nhà vào các ngày có nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường. Không cho trẻ ăn, uống các loại thức ăn có nguy cơ cao xuất hiện cơn hen như: tôm, cua, ốc. Cha, mẹ và người lớn không nên hút thuốc trong nhà. Nhà có người mắc bệnh hen phế quản nên hạn chế nuôi chó, mèo trong nhà. Cần phơi nắng chăn, gối, đệm và đảm bảo nhà cửa thông thoáng.
Khi trẻ bị lên cơn hen phế quản, tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời. Nếu như được chẩn đoán dự phòng lên cơn hen, thì cha mẹ có thể xử lý các cơn hen tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ.
THU PHƯƠNG