Nơm nớp sống trên triền núi
Những năm gần đây, tình trạng nhiều người dân khoét núi, xây dựng nhà ở giữa lưng chừng núi Bà Hỏa (ở các phường Ngô Mây, Lê Hồng Phong, Ðống Ða) và núi Một (phường Ðống Ða), TP Quy Nhơn, diễn ra thường xuyên, công khai nhưng chính quyền các địa phương và ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp để ngăn chặn hữu hiệu. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, sập đổ nhà, nhất là khi có mưa, bão.
Nhà ở của người dân KV 6, phường Lê Hồng Phong nằm chênh vênh giữa lưng chừng núi.
Ngủ không dám chốt cửa
Theo UBND phường Đống Đa, trên địa bàn phường có hai điểm “nóng” về nguy cơ sạt lở là ở tổ 27, KV 5 (tiếp giáp núi Bà Hỏa) và KV 1, KV 2 trên núi Một với hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trên đỉnh núi Bà Hỏa (đoạn giáp ranh giữa phường Đống Đa với phường Lê Hồng Phong) đã hình thành một điểm sạt lở nghiêm trọng. Vào tháng 8.2015, đất đá ở khu vực này sạt lở xuống khu dân cư tổ 27, KV 5 gây tắc nghẽn hệ thống mương, cống rãnh, ô nhiễm môi trường chỉ sau một cơn mưa. Đặc biệt, tại KV 4 và KV 5 của phường có hơn 300 hộ tự ý đục, khoét núi Bà Hỏa để tạo mặt bằng xây dựng nhà trái phép trên triền núi sau ngày 1.7.2004. Các căn nhà này nằm san sát từ thấp lên cao đến đường băng cản lửa trên núi, đã tạo ra các tầng, bậc cao thấp trên một độ dốc lớn, nếu đất sạt xuống sẽ san bằng tất cả.
Tất cả các núi đều tồn tại ở trạng thái cân bằng hàng ngàn năm, ít có khả năng tự sạt lở. Nhưng việc người dân tự ý khoét, đục núi sẽ tạo ra khoảng trống làm mất cân bằng khối đất, đá. Nếu trời mưa kéo dài, đất sẽ ngậm nước, các lỗ rỗng sẽ lấp đầy nước và làm tăng trọng lượng của khối đất bên trên, gia tăng thêm khối trượt, hình thành các khung trượt gây sạt đất.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng TRẦN VIẾT BẢO
Tại điểm sạt lở có nguy cơ cao nhất ở núi Một, theo tìm hiểu của PV, khu vực phía Nam có khoảng 60 hộ xây dựng trái phép từ năm 2004 đến nay; khu vực gần giáp núi có khoảng 47 hộ dân đang sinh sống xây dựng nhà ở với hệ thống kè tạm bợ; trong đó có 23 hộ xây dựng trái phép từ năm 2004 và 12 hộ có nhà ở được xây dựng từ năm 1975. Phần lớn các căn nhà này đều không an toàn do xây dựng sát triền núi có độ dốc cao. Nhiều căn nhà ở khu vực phía Nam của núi được xây dựng tạm bợ, phần móng chênh vênh, không có kè chống sạt lở phía sau nên có thể sạt đổ bất cứ lúc nào khi có mưa bão. Anh Dương Văn Lộc, 45 tuổi, trú tổ 2B, KV 1, phường Đống Đa, chia sẻ: “Bà con ở đây khi đi ngủ đều dồn lên nhà trước và không dám chốt cửa, để hễ nghe tiếng động sau nhà là tuôn chạy để bảo toàn tính mạng”. Còn ông Lê Thanh Hùng, Tổ trưởng tổ 2B, bày tỏ: “Tổ có 13 căn nhà có nguy cơ sạt lở cao và hầu hết các nhà đều bị nứt vách. Vào mùa mưa cách đây 2 năm, căn nhà của anh Phạm Hữu Trung, nằm phía Nam núi Một bị sạt và sập hoàn toàn, may mắn không thiệt hại về người”.
Tại phường Ngô Mây cũng có 4 khu vực dân cư với khoảng 150 hộ dân sống từ ven chân núi Bà Hỏa trở lên (KV 7, KV 8, KV 11, KV 12). Đa phần các hộ này đều có nhà ở ổn định từ lâu. Vì tình trạng sạt lở núi trên địa bàn phường hiếm khi xảy ra, nên đã khiến người dân chủ quan. Bà Nguyễn Thị T., tổ 7, KV 7, nói: “Đất núi Bà Hỏa bên này chủ yếu là đất sét, cứng nên đâu dễ sạt. Điều kiện kinh tế khó khăn nên mới làm nhà liều trên này, có sạt cũng chịu chứ biết ở chỗ nào”.
Căn nhà của anh Phạm Hữu Trung, tổ 2B, nằm phía Nam núi Một cách đây 2 năm bị sập hoàn toàn do sạt lở.
Chưa có phương án lâu dài
Theo thống kê của ngành chức năng TP Quy Nhơn, hiện có khoảng gần 3.000 căn nhà xây dựng ở triền núi Bà Hỏa và núi Một; trong đó, hầu hết các trường hợp đã xây dựng cách đây nhiều năm. Đa số các trường hợp này đủ điều kiện để cho tồn tại theo Quyết định số 15 năm 2008 của UBND tỉnh về xử lý lấn, chiếm đất đai, đất đã được giao không đúng thẩm quyền, thu tiền không đúng quy định. Riêng số nhà xây dựng từ sau ngày 1.7.2004 đến nay không được phép tồn tại cũng lên đến hàng trăm trường hợp.
Ông Lê Trí Thanh, công chức địa chính - xây dựng phường Lê Hồng Phong, thừa nhận: “Việc quản lý lỏng lẻo qua các thời kỳ lãnh đạo ở địa phương đã để hàng chục hộ tự ý lấn chiếm đất đai, nhất là khu vực sát chân núi. Đặc biệt, tình trạng các đối tượng “đầu cơ” đất mượn chính sách để mua bán đất với giấy tờ không hợp pháp, lợi dụng xây nhà trái phép xuất hiện ngày càng nhiều”.
Bà Hồ Thị Kim Ngọc, Chủ tịch UBND phường Ngô Mây, cho biết: Hàng năm, chúng tôi chỉ đạo các khu phố tiến hành kiểm tra, rà soát các hộ có nhà ven chân núi có nguy cơ sạt lở để chủ động xây dựng phương án di dời dân khi có mưa bão. Đồng thời, phường giao cán bộ phụ trách khu phố tăng cường giám sát, đình chỉ ngay những hộ manh nha xây dựng mới và kiên quyết tháo dỡ trường hợp xây dựng nhà trái phép trên núi.
Ông Nguyễn Công Vịnh, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, cho rằng: “Đến nay, UBND TP Quy Nhơn chưa có hướng giải quyết triệt để đối với các hộ gia đình ở phường Đống Đa, Ngô Mây đã xây dựng nhà ở từ trước ngày 1.7.2004. Trước đây, thành phố dự định bố trí các hộ này ở tại các căn hộ chung cư thuộc nhà ở xã hội nhưng nhiều người dân chưa thống nhất, còn nếu tái định cư thì quỹ đất của thành phố hạn hẹp. Do đó, vẫn tạm để các hộ tồn tại. Khi có mưa bão, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão thành phố sẽ chỉ đạo các địa phương kịp thời cảnh báo và huy động lực lượng, phương tiện di dời người dân đến nơi an toàn”.
Hậu quả của việc sạt lở núi rất nặng nề, trong khi nhiều hộ dân vì nhiều lý do vẫn phải “bám trụ” ở vị trí nguy cơ cao. Nếu không sớm có giải pháp căn cơ thì thiệt hại do sạt lở là điều đã được dự báo trước.
HỒNG PHÚC