“Giữ chân” đảng viên là quân nhân xuất ngũ
Ðảng viên là quân nhân xuất ngũ về địa phương không tham gia sinh hoạt theo quy định, bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên là thực trạng đáng lo ngại. Cần những giải pháp căn cơ để “giữ chân” lực lượng này.
Thực trạng ấy là nỗi lo chung ở nhiều địa phương. Nhiều người làm công tác xây dựng Đảng ở cơ sở chia sẻ rằng, thật sự “rất đau” khi chẳng đặng đừng phải xóa tên đồng chí mình khỏi danh sách đảng viên.
Cần tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn cho đảng viên trước khi xuất ngũ phải thực hiện chuyển sinh hoạt đảng về địa phương nơi cư trú. Ảnh minh họa
Bỏ sinh hoạt vì mưu sinh
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thời gian qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực để triển khai thực hiện chủ trương “lựa chọn thanh niên là đảng viên nhập ngũ”. Tỉ lệ đảng viên trong thanh niên nhập ngũ hàng năm đều vượt chỉ tiêu đề ra - trên 1%.
Ðảng viên là bộ đội xuất ngũ nếu đi làm ăn xa có thể làm đơn xin miễn sinh hoạt đảng theo điểm 1.2, phần IV, Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên số 09-HD/BTCTW, do Ban Tổ chức Trung ương ban hành ngày 5.6.2017. Theo đó, đảng viên được xét miễn sinh hoạt đảng khi đi lao động đơn lẻ, ở những vùng xa, không có tổ chức đảng hoặc điều kiện đi lại khó khăn, không thể tham gia sinh hoạt đảng; đi làm việc lưu động ở các địa phương, đơn vị trong nước thời gian dưới 1 năm, việc làm không ổn định, hoặc ở những nơi chưa có tổ chức đảng, không có điều kiện trở về tham gia sinh hoạt chi bộ theo quy định. Ðảng viên phải làm đơn nêu rõ lý do và thời gian xin miễn công tác và sinh hoạt đảng, báo cáo chi bộ. Chi bộ xét, ra nghị quyết đề nghị cấp ủy cơ sở xét, quyết định.
Tuy nhiên, chất lượng đảng viên trong thanh niên nhập ngũ còn hạn chế; hồ sơ, thủ tục, quy trình kết nạp đảng viên có nhiều sai sót. Một số đảng viên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự xuất ngũ về địa phương bỏ sinh hoạt đảng, bị xóa tên trong danh sách đảng viên; năm 2017 đã có 15 người không chuyển sinh hoạt về địa phương, bị xóa tên trong danh sách đảng viên.
Tại TP Quy Nhơn, năm 2017 toàn Đảng bộ có 27 đảng viên bị xóa tên, trong đó có 3 quân nhân xuất ngũ. Sang năm 2018, trong số 30 đảng viên bị xóa tên, có đến 6 người trở về từ quân ngũ. Tình hình có phần nghiêm trọng hơn tại huyện Hoài Nhơn - nơi có nghề biển phát triển. Theo số liệu thống kê của Ban Tổ chức Huyện ủy, tổng số đảng viên trong quân ngũ về địa phương bị xóa tên trong 2 năm 2017 và 2018 là 20 người; trong đó có 6 đảng viên chính thức, 14 đảng viên dự bị. Nhiều nhất là ở Hoài Thanh (4 người), kế tiếp là Hoài Mỹ (3 người), Hoài Châu, Hoài Hảo (cùng 2 người).
“Nguyên nhân chủ yếu là sau khi xuất ngũ không tìm được việc làm ở địa phương, nhiều người phải đi làm ăn xa, bỏ sinh hoạt đảng theo quy định”, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hoài Nhơn Huỳnh Ngọc Ân cho hay. Ở Hoài Nhơn, phổ biến nhất là lao động trên biển và vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp.
Theo dõi sát sao, tạo việc làm tại chỗ
Trước thực trạng đó, Huyện ủy Hoài Nhơn đã chỉ đạo các chi, đảng bộ cần có giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho đảng viên là quân nhân xuất ngũ. “Các đảng ủy chỉ đạo chi bộ các công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện tạo điều kiện tiếp nhận và đào tạo việc làm cho thanh niên xuất ngũ, nhất là đảng viên”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hoài Nhơn Lê Tự Hồng nói.
Bên cạnh tạo việc làm, chính sách hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế của các ngành, địa phương cũng cần hướng đến những gia đình có con em là bộ đội xuất ngũ. Ngoài ra, các cấp ủy cần có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho số đảng viên xuất ngũ để bố trí, sử dụng trong các hội đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tạo nguồn cán bộ trẻ và xây dựng cơ sở chính trị ở địa phương.
Ở một khía cạnh khác, trong khâu tuyển chọn đảng viên nhập ngũ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị các huyện ủy, thị ủy, thành ủy cần phải thực hiện công tác tạo nguồn, kết nạp đảng viên mới bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, thủ tục, quy trình theo Điều lệ Đảng. Thanh niên nhập ngũ xem xét kết nạp vào Đảng phải trước 3 tháng tính đến thời gian tuyển quân. Không vì chạy theo chỉ tiêu 1% thanh niên nhập ngũ phải là đảng viên mà kết nạp thanh niên vào Đảng không đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ kết nạp. Ban Tổ chức các huyện ủy, thị ủy, thành ủy phối hợp với đảng ủy quân sự huyện, thị xã, thành phố có nhiệm vụ thẩm định quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên đúng quy định.
Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Minh Tuấn lưu ý cần tăng cường công tác quản lý, rèn luyện, nâng cao chất lượng đảng viên trong thanh niên nhập ngũ và hạ sĩ quan, binh sĩ; khắc phục tình trạng đảng viên là hạ sĩ quan - binh sĩ xuất ngũ bị xóa tên trong danh sách đảng viên.
Bên cạnh đó, Đảng ủy Quân sự tỉnh cần chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ, Quân khu nhận quân trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác giáo dục, hướng dẫn đảng viên trước khi xuất ngũ phải thực hiện chuyển sinh hoạt đảng về địa phương nơi cư trú. “Việc này hết sức cần thiết, nhất là với số đảng viên dự bị, để tổ chức đảng ở địa phương tiếp tục theo dõi, giúp đỡ cho từng người”, ông Tuấn nhấn mạnh.
HOÀI NHÂN