Nhãn hiệu nhỏ tìm đường ra “biển” lớn
Linh hoạt trong chiến lược kinh doanh, liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường ở những phân khúc nhỏ là cách làm của nhiều DN, cơ sở sản xuất kinh doanh đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn của tỉnh Bình Ðịnh hiện nay.
HTXNN Ngọc An đầu tư hệ thống máy ép lạnh sản xuất dầu dừa tinh khiết.
Đổi mới theo thị hiếu người dùng
Tháng 1.2018, HTXNN Ngọc An (xã Hoài Thanh Tây, huyện Hoài Nhơn) được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 tại Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm HACCP (hệ thống quản lý an toàn thực phẩm dựa trên yếu tố phân tích các mối nguy và các điểm kiểm soát trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm) cho hai sản phẩm chủ lực: bánh tráng nước dừa và tinh dầu dừa.
Trước đó, để sẵn sàng cho bước đi mới, HTX tiến hành quy hoạch vùng dừa nguyên liệu sạch 4.000 gốc với 200 hộ dân là thành viên của HTX thâm canh, thí điểm đảm bảo truy xuất chính xác nguồn gốc sản phẩm. Cùng với việc phát triển nguyên liệu đầu vào, đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại phục vụ quá trình sản xuất gồm hệ thống máy ép lạnh cho ra dầu dừa tinh khiết, máy tráng bánh đảm bảo độ đồng đều... Chứng nhận HACCP góp phần tạo độ tin cậy cho thương hiệu Ngọc An.
Hiện, bình quân mỗi năm, HTXNN Ngọc An đưa ra thị trường khoảng 20 tấn bánh tráng nước dừa, sản phẩm tinh dầu dừa. Ông Nguyễn Ngọc Nghiệp, Giám đốc HTX này, cho biết, phải nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc phải minh bạch; bên cạnh đó bao bì đóng gói hợp quy chuẩn, công bố đầy đủ thông tin về sản phẩm thì mới dám nghĩ đến chuyện đưa sản phẩm vào các thị trường lớn, khó tính. Chúng tôi đang tìm đối tác tốt để thiết kế lại bao bì sản phẩm, bộ nhận diện thương hiệu mới phù hợp thị hiếu của khách hàng.
Liên tục nâng tầm sản phẩm, đáp ứng chính xác thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng, Cơ sở sản xuất, kinh doanh trà dung Cazin (xã Canh Vinh, huyện Vân Canh) chế biến nhiều sản phẩm từ cây chè dung như trà túi lọc, bột chè dung xanh (một dạng giống như bột trà xanh matcha) uống liền; cung ứng ra thị trường khoảng 30 tấn/năm.
Ông Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở Cazin cho biết, sản phẩm trà dung có tính dược liệu, hỗ trợ tiêu hóa, do vậy để đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, chúng tôi thường xuyên đưa sản phẩm tới trung tâm kiểm nghiệm để phân tích, đánh giá chất lượng, mức tác động đến sức khỏe người dùng, công bố rõ ràng các thông tin cần thiết ngay trên bao bì sản phẩm. Tại hội nghị giao thương kết nối cung cầu giữa tỉnh Bến Tre với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành - tháng 11.2018, trà dung cazin nhận được nhiều đánh giá tốt.
Cần sự đồng hành, hỗ trợ
Để được sản phẩm đặc trưng của Bình Định đi xa hơn, theo bà Trần Thị Hoài Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Dịch vụ nông nghiệp Song Thủy (TP Quy Nhơn) phải thay đổi cách thức sản xuất, chế biến, phải đa dạng mẫu mã sản phẩm, đưa ra nhiều mã hàng khác nhau phù hợp với nhiều nhóm khách hàng.
Song Thủy đưa ra thị trường sản phẩm bánh tráng nước dừa Song Thủy đã nướng chín, đóng gói nhỏ, mở bì là có ăn liền; chế biến chả ram tôm đất từ nguồn tôm, thịt heo an toàn, đóng gói hút chân không... Toàn bộ các sản phẩm này đều đảm bảo an toàn vệ sinh và bắt mắt. Những thay đổi này tuy không lớn, nhưng sự nghiêm túc của Song Thủy được nhiều nhà bán lẻ đánh giá cao. Mới đây sản phẩm của Song Thủy đã đáp ứng đủ các điều kiện nghiêm ngặt và được xuất hiện ở chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi Vinmart trên toàn quốc.
Theo bà Trần Thị Hoài Thanh, Song Thủy đang nghiên cứu sản xuất đặc sản bánh ít lá gai. Tuy nhiên, trở ngại khá lớn hiện nay là tăng thời gian sử dụng, đảm bảo đủ thời gian chuyển bánh đến các điểm phân phối trên toàn quốc mà không dùng chất bảo quản. Hiện DN này đang hợp tác với một chuyên gia trong lĩnh vực chế biến, bảo quản thực phẩm để tìm ra giải pháp kỹ thuật phù hợp.
Hành trình ra “biển” của các DN như Ngọc An, Cazin, Song Thủy rõ ràng không dễ dàng gì, nhất là khi hầu hết các DN nhỏ đều gặp hạn chế về tiềm lực kinh tế. Bởi thế hầu hết đều mong muốn chính quyền, cũng như các cơ quan có chức năng chuyên môn đồng hành, hỗ trợ.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn (Tam Quan, Hoài Nhơn), cơ sở chuyên sản xuất các loại bánh truyền thống của địa phương, cho hay: “Quy mô sản xuất nhỏ, thay vì trở thành đơn vị gia công cho các đối tác, chúng tôi tiến vào thị trường với nhãn hiệu riêng bằng cách đa dạng sản phẩm, tìm cách đáp ứng chính xác thị hiếu của người tiêu dùng. Tới đây, chúng tôi sẽ thử nghiệm công nghệ phun phủ chocolate bên ngoài bánh, nhằm tạo hương vị mới phục vụ khách hàng”.
Theo ông Nguyễn Thanh Hưng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN&PTNT), việc DN nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện việc truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm là yêu cầu tất yếu để đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng hành với DN, Chi cục sẵn sàng tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng sản phẩm chất lượng, sản phẩm sạch đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Còn theo ông Lê Hồng Tây, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), ngày càng có thêm nhiều DN sản xuất hàng hóa, đặc sản địa phương, sản phẩm đặc trưng vươn ra thị trường lớn, đó là dấu hiệu tốt. Khi đã tự thân nỗ lực nâng cao mình lên, DN cũng dễ thuyết phục để được nhận hỗ trợ từ cơ quan chức năng trong xúc tiến, quảng bá thương hiệu.
THU DỊU