Đại lễ tưởng niệm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn
Đại lễ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 6 – 7.12.2018 tại Quảng Ninh với quy mô cấp Quốc gia, gồm nhiều hoạt động phong phú như: Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi Đức Vua hóa Phật; Lễ truyền đăng và nhiễu tháp tưởng niệm Phật Hoàng.
Họp báo giới thiệu về Đại lễ. (Ảnh: K.T)
Tại buổi họp báo chiều ngày 2.12, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Đại lễ tưởng niệm 710 năm Đức Vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn được tổ chức với quy mô cấp Quốc gia với nhiều hoạt động phong phú như: Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông và Đại lễ cầu siêu tại chùa Ngọa Vân (Đông Triều) - nơi Đức Vua hóa Phật; Lễ truyền đăng và nhiễu tháp tưởng niệm Phật Hoàng.
Đặc biệt, Hội thảo khoa học quốc tế “Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm - đặc sắc tư tưởng, văn hóa” được tổ chức trong 3 ngày từ 5-7.12, tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm, thành phố Uông Bí với sự tham gia của hơn 400 nhà khoa học với 135 tham luận, trong đó có 34 tham luận của các học giả đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hội thảo nhằm mục đích huy động trí tuệ, tâm huyết của giới khoa học trong và ngoài nước nhằm thảo luận, làm rõ thêm, đồng thời khai thác, phát huy những nội dung, giá trị đặc sắc trong di sản tư tưởng, văn hóa của Trần Nhân Tông và Phật giáo Trúc Lâm, đặt trong dòng chảy liên tục của lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và định hướng tương lai, với không gian mở rộng từ dân tộc đến nhân loại, với tiếp cận chuyên ngành và liên ngành, nghiên cứu trường hợp và nghiên cứu so sánh…
Hội thảo cũng là hoạt động thiết thực của giới nghiên cứu, Tăng Ni, Phật tử trong và ngoài nước hướng về Phật hoàng Trần Nhân Tông với thái độ trân trọng, biết ơn đối với bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho dân tộc và nhân loại nhân dịp kỷ niệm 760 năm đản sinh và 710 năm nhập niết bàn của Ngài.
Trong những ngày diễn ra đại lễ, Ban tổ chức sẽ bố trí hơn 30.000 suất cơm miễn phí và các đơn vị khai thác cáp treo tại chùa Ngọa Vân và Yên Tử sẽ giảm giá vé từ 30% đến 50% cho các Phật tử hành hương về lễ Phật.Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh không thu vé vãn cảnh trong những ngày diễn ra Đại lễ.
Nhân Đại lễ tưởng niệm, Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh có 3 sự kiện, công trình chào mừng là: lễ khánh thành chùa Trung Tiết, xã An Sinh, thị xã Đông Triều; lễ khánh thành công viên chữ Tâm trong khuôn viên trụ sở chùa Trình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh và khánh thành giai đoạn I, Cung Trúc Lâm Yên Tử với số vốn hơn 200 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm tại khu Di tích danh thắng Yên Tử do Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Hòa Thượng Thích Gia Quang, Phó hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: Chúng tôi mong muốn thông qua Đại lễ để tưởng nhớ đến công đức to lớn của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã xây dựng một thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang màu sắc của Việt Nam rất đặc biệt để mọi người dân nói chung,nhất là trong giới tăng ni Phật tử học tập và noi theo tấm gương, đạo hạnh của Ngài.Tới nay, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, sẵn sàng cho Đại lễ diễn ra./.
Theo K.T (ĐCSVN)