Chắp cánh cho những ước mơ
Nhân ngày Quốc tế người khuyết tật (3.12), ngày 3.12, Sở LÐ-TB&XH phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tổ chức Diễn đàn Trẻ em khuyết tật với quyền và bổn phận của trẻ em. Ðây là lần đầu tiên ở tỉnh ta, trẻ em khuyết tật có diễn đàn riêng để gửi gắm những nguyện vọng, ước mơ của mình.
Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2015, toàn tỉnh Bình Định có khoảng 3.600 trẻ em khuyết tật do nhiều nguyên nhân như: bẩm sinh, bệnh tật, tai nạn. Tại diễn đàn, 50 trẻ khuyết tật đến từ Trung tâm Công tác xã hội - Bảo trợ xã hội (CTXH - BTXH) tỉnh, Trung tâm BTXH Đồng Tâm, Trường Chuyên biệt hy vọng Quy Nhơn, các huyện Tuy Phước, Vân Canh, Hoài Nhơn đã đại diện cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh nói lên tiếng nói của mình.
Đừng ghẻ lạnh với tụi em!
5 năm trước, TNGT cướp phần chân và hông phải của bé Đỗ Thị Thanh Trang (lớp 7A7, Trường THCS Phước An, huyện Tuy Phước). Ở tuổi lên 10, dư chấn của vụ tai nạn để lại khủng hoảng tâm lý trong em. Khó khăn lắm, em mới phục hồi chức năng và quay trở lại trường học. Thế nhưng, ở trường, mọi thứ còn có vẻ tệ hơn. Các bạn từng dành cho Trang những từ ngữ vô cảm như “con một chân”, “con què”... và né tránh em.
“Ở lần đầu tiên tổ chức, Diễn đàn Trẻ em khuyết tật với quyền và bổn phận của trẻ em đã ghi nhận những mong muốn, nguyện vọng chính đáng của các em. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì Diễn đàn hàng năm để các ngành, các đơn vị liên quan được tiếp xúc, lắng nghe, từ đó có những tham mưu phù hợp cho UBND tỉnh trong các chính sách đối với trẻ em khuyết tật”.
Ông PHAN ĐÌNH HÒA, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH
“Phải đến thời gian gần đây, các bạn mới đến gần em hơn. Em có bạn để cùng chơi, tâm sự, giúp em lên cầu thang, ngồi vào ghế. Vì rất hiểu cảm giác bị xa lánh, kỳ thị nên em rất mong có cách nào đó để các bạn hiểu được hoàn cảnh của tụi em”, Thanh Trang tâm sự.
Cũng chung nỗi sợ bị kỳ thị, em Lê Thị Yến Nhi (đang học tập, sinh hoạt tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm) cho biết: “Em và các bạn khuyết tật cảm thấy rất may mắn khi có một không gian, “mái nhà chung” với những người đồng cảnh. Chúng em sẽ hạnh phúc lắm nếu ngoài kia, chúng em cũng được đối xử như vậy. Đừng ghẻ lạnh với tụi em!”.
Biết ước mơ
Tự tin cất cao giọng hát trong veo tại sân khấu của Diễn đàn Trẻ em khuyết tật, Giã Thị Thảo Phương (lớp 3 Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn) cho biết ước mơ của em là trở thành cô giáo dạy nhạc. Sự vui tươi và lạc quan của cô gái bị não úng thủy lan tỏa trong lời ca, tiếng hát và cả nét mặt hồn nhiên. Thảo Phương bộc bạch: “Em không may mắn, cơ thể em không phát triển bình thường như các bạn nhưng em cũng muốn được học tập trong môi trường phù hợp với sức của mình, được có bạn bè. Em mong sân trường có thêm nhiều cây xanh, thêm nhiều điểm vui chơi phù hợp với các bạn là người khuyết tật”.
Em Thảo Phương ước mơ trở thành cô giáo dạy âm nhạc cho trẻ khuyết tật và mong có thêm nhiều sân chơi cho trẻ.
Mới chỉ học lớp 3 nhưng bé Cao Thị Tuyết Sương (bị bệnh tim và phổi bẩm sinh, Trường Tiểu học Canh Hiển, huyện Vân Canh) đã khá chín chắn khi chia sẻ trước diễn đàn về những cái khó của gia đình mình và các bạn có hoàn cảnh tương tự. Cảnh cha mẹ gom góp tiền bạc để đưa em chạy chữa khắp nơi đã trở thành nỗi ám ảnh. Sương tâm sự: “Em mong các cô chú quan tâm, chia sẻ với những gia đình có hoàn cảnh như gia đình em để các bậc cha mẹ bớt khổ. Riêng em sẽ luôn hứa học thật giỏi, thật chăm để không phụ sự yêu thương của cha mẹ, sự giúp đỡ của các cô chú”.
Thanh Lam dùng ngôn ngữ ký hiệu để truyền tải về ước mơ nói được, nghe được của mình.
Em gái khiếm thính Trần Thị Thanh Lam (12 tuổi, quê ở huyện An Lão, hiện đang sinh hoạt tại Trung tâm BTXH Đồng Tâm) dùng ánh mắt tha thiết và ngôn ngữ ký hiệu để nói về mong ước lớn nhất của mình là có thể nghe được và nói được. Thế giới của em và các bạn đồng cảnh sẽ trở nên sống động biết bao nhiêu khi có thêm âm thanh. Hiện tại, Lam đang theo học lớp can thiệp cho trẻ khiếm thính. Ngoài thời gian học văn hóa, em và các bạn được học cách nhận biết âm thanh, phát âm thông qua sự hỗ trợ của máy trợ thính. Mong ước nghe, nói của Lam và các bạn đã bước đầu được thực hiện khi có các tổ chức quan tâm, hỗ trợ máy trợ thính.
Lam chia sẻ thêm: “Con còn mong mình sớm trưởng thành, vào Sài Gòn để phụ giúp ba mẹ đang làm nghề điêu khắc đá. Con cũng muốn mình tìm được một công việc ổn định, phù hợp với sức mình như những người bình thường khác”.
Trần Văn Lạc - người truyền cảm hứng
Dù không còn trong độ tuổi trẻ em nhưng Trần Văn Lạc (sinh viên năm 2, ngành Công tác xã hội, Trường ÐH Quy Nhơn) là đại biểu được Diễn đàn Trẻ em khuyết tật chào đón nồng nhiệt. Câu chuyện của Lạc - một cậu bé mồ côi, khuyết tật được nuôi dưỡng tại Trung tâm CTXH-BTXH tỉnh, nỗ lực vươn lên, đậu đại học và hiện đã thành lập một CLB thiện nguyện - truyền cảm hứng cho rất nhiều em nhỏ khuyết tật và cả những người bình thường.
Chậm hơn các bạn trong đi lại, viết bài, nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày ở ký túc xá và không thể tham gia tất cả các hoạt động tập thể của lớp, trường, thế nhưng Lạc khẳng định em vẫn không chán nản, bi quan. Các bạn tại lớp, trường thường xuyên giúp đỡ, chia sẻ với Lạc. Lạc hiểu chỉ cần mình kiên trì, nỗ lực, mọi thứ đều sẽ tốt lên.
NGUYỄN MUỘI