Rộng cơ hội lao động tại Nhật Bản
Thực tế cho thấy, nước ta còn nhiều lao động chưa có việc làm, trong khi thị trường Nhật Bản đang có nhu cầu lớn về lao động.
Là đối tác tin cậy của Nhật Bản, các cơ quan, đơn vị chức năng đang nỗ lực kết nối cung - cầu giữa hai thị trường để người lao động Việt Nam có thể tận dụng tốt nhất cơ hội việc làm đang rộng mở ở xứ sở Hoa anh đào.
Các học viên tham dự một lớp đào tạo trước khi sang lao động tại Nhật Bản.
Lao động Việt Nam có thể đáp ứng tốt
Để ứng phó với tình trạng thiếu lao động, Nhật Bản vừa có chính sách mở cửa thị trường, đón nhận nguồn nhân lực từ bên ngoài. Mục tiêu của Nhật là đến năm 2025 sẽ thu hút khoảng 500.000 lao động nước ngoài, tập trung cho các ngành, nghề đang “khát” nhân lực như: Xây dựng, nông nghiệp, điều dưỡng, khách sạn, đóng tàu… Ngoài chính sách nhập khẩu lao động, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ tăng thời gian lưu trú, giảm bớt yêu cầu về ngoại ngữ cho lao động nước ngoài...
Đối với Việt Nam, việc mở rộng xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập. Trong những thị trường Việt Nam hướng đến, Nhật Bản luôn là đối tác hấp dẫn, triển vọng và được ưu tiên. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), số lượng lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật là gần 150.000 người, trong đó có 131.000 thực tập sinh theo Chương trình thực tập kỹ năng, dẫn đầu 15 nước đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc. Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng trưởng lao động nhanh nhất trong cộng đồng lao động nước ngoài tại Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã đưa gần 10.000 lao động sang Nhật làm việc, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm 2017.
“Nhu cầu tuyển dụng lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản ngày càng tăng, đa dạng về trình độ, ngành nghề. Những ngành nghề thị trường Nhật Bản đang thiếu nhân lực, thì lao động Việt Nam có thể đáp ứng tốt”, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định.
Tham gia phiên giao dịch việc làm ngày 22.11 tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, anh Nguyễn Thanh Hải, ở ngõ 4, đường Trần Hữu Dực (quận Nam Từ Liêm) cho biết, bản thân anh và gia đình đã lựa chọn đi xuất khẩu lao động để lập thân, lập nghiệp. Sau khi tìm hiểu về thị trường Nhật Bản, anh quyết định học tiếng Nhật, học nghề để có thể trở thành thực tập sinh.
Nỗ lực kết nối
Để cung - cầu giữa hai thị trường gặp nhau, trong những năm vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều nội dung hợp tác. Hai chương trình lớn là Biên bản ghi nhớ giữa Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM JAPAN) đưa lao động Việt Nam sang Nhật thực tập kỹ năng và Chương trình đưa lao động sang Nhật làm việc theo Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (JVEPA) được các cơ quan chức năng triển khai bài bản, mang lại hiệu quả tích cực. Làm việc với Bộ LĐ-TB&XH vào cuối tháng 10-2018, ông Kioshi Ueda, Tỉnh trưởng tỉnh Saitama (Nhật Bản) khẳng định, các doanh nghiệp Nhật rất muốn tiếp nhận lao động Việt Nam, bởi người Việt có ý thức cao, có tinh thần hợp tác, cần cù và thông minh. Riêng tỉnh Saitama đã có khoảng 18.000 người Việt Nam đang học tập, sinh sống, chiếm 50% tu nghiệp sinh nước ngoài tại địa phương này...
Đón trước nhu cầu của thị trường, ngoài những chính sách ưu tiên cho xuất khẩu lao động, các cơ quan chức năng còn nỗ lực đưa thông tin về thị trường lao động Nhật Bản đến với người dân qua nhiều kênh khác nhau. Cùng với đó, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo, cử chuyên gia đến một số trường tư vấn, hướng dẫn, tập huấn cho học sinh, sinh viên những kiến thức, kỹ năng cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Bộ LĐ-TB&XH đã kiểm tra, rà soát và “thanh lọc” những đơn vị vi phạm các quy định đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhằm củng cố niềm tin với đối tác, giúp người lao động tránh được thiệt hại do vướng phải “bẫy lừa”... Cũng để người lao động yên tâm sang Nhật làm việc, Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm chuyên đề dành cho lao động ở nước ngoài trở về, giúp nhiều người tìm được việc làm phù hợp...
Cùng với đó, bản thân người lao động phải không ngừng nỗ lực, cố gắng để tận dụng tốt những cơ hội việc làm tại Nhật Bản. Từ kinh nghiệm thực tế của một du học sinh Nhật Bản, nay là Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu lao động Esuhai, ông Lê Long Sơn khuyên, trong quá trình học tập, làm việc tại Nhật Bản, người lao động hãy cố gắng học tiếng Nhật, học kỹ năng, kỹ thuật của doanh nghiệp hay cách quản lý công việc từ người Nhật… Điều này giúp ích rất lớn cho người lao động sau này.
Mặc dù đã có mối quan hệ hợp tác bền chặt với Việt Nam, song Nhật Bản vẫn là thị trường khắt khe, đòi hỏi chất lượng lao động cao hơn các thị trường khác. Do đó, việc đưa người lao động sang Nhật làm việc hoặc đón người lao động từ Nhật trở về đều phải tuân thủ nghiêm ngặt những quy định của pháp luật và nội dung chương trình đã ký kết giữa hai nước.
Theo Minh Ngọc (HNM)