Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản: Vì sao doanh nghiệp chưa mặn mà?
DN đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, DN ngại đầu tư vào hoạt động này. Qua Hội nghị bàn biện pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản cho nông dân (Sở NN&PTNT tổ chức ngày 29.11 tại TP Quy Nhơn), vấn đề nổi lên đầu tiên là cần phải có sự nỗ lực từ nhiều phía.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nêu thực trạng: Mặc dù Chính phủ và UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích nhưng rất ít DN tham gia. Trên lĩnh vực trồng trọt, hiện tỉnh ta mới chỉ xây dựng được 2 cánh đồng lớn (CĐL) sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lúa giống trong thời gian 5 năm, do Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed (tỉnh Thái Bình) phối hợp với 2 HTXNN Phước Sơn và Phước Hưng (huyện Tuy Phước) thực hiện.
Lý do chưa mặn mà
Mới đây, Sở NN&PTNT và Công ty TNHH Dịch vụ EB (thuộc Tập đoàn Central Group Việt Nam) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ rau an toàn cho nông dân. Lĩnh vực chăn nuôi cũng mới chỉ có Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cung ứng con giống, kỹ thuật và thu mua heo thịt cho nông dân. Đáng chú ý là trên địa bàn tỉnh có 13 DN sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi quy mô lớn, nhưng chưa có DN nào phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng CĐL sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp phục vụ cho sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi theo hướng bền vững.
HTXNN Phước Hưng (Tuy Phước) và Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed cùng thực hiện khá hiệu quả dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất và thu mua lúa giống.
- Trong ảnh: Nông dân các địa phương trong tỉnh tham quan cánh đồng sản xuất lúa giống tại xã Phước Hưng.
Ông Bùi Phạm Phi Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP GreenFeed Việt Nam - Chi nhánh Bình Định, chia sẻ: Các DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đều rất muốn mua sản phẩm nông nghiệp tại địa phương để giảm các chi phí đầu vào, nâng cao hiệu quả kinh doanh, nhưng diện tích sản xuất ở Bình Định manh mún, thu hoạch không đồng loạt, nên việc thu mua sản phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, chất lượng sản phẩm nông nghiệp lại không cao, tạp chất và ẩm mốc nhiều, không đảm bảo yêu cầu chất lượng. Vì vậy, nhiều DN, trong đó Công ty CP GreenFeed Việt Nam - Chi nhánh Bình Định phải mua nguyên liệu từ các các tỉnh Tây Nguyên. Các địa phương nên quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hướng dẫn nông dân các biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN thực hiện chuỗi liên kết.
Một số DN khác cho rằng, DN không thể đến từng hộ dân để thu mua nông sản, mà cần phải có một đơn vị, tổ chức đại diện cho nông dân đứng ra thu mua sản phẩm rồi bán lại cho DN theo hợp đồng đã ký kết. DN cũng rất ngại việc nông dân không thực hiện hợp đồng đã ký kết. Từng có việc một số DN ký hợp đồng với thành viên HTX và HTX thực hiện liên kết chuỗi, nhưng đến khi thu hoạch, nông dân lại bán sản phẩm cho DN khác. Hợp đồng bị vỡ khiến kế hoạch sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng xấu. Vì những lý do chính như trên, nhiều DN không tham gia xây dựng dự án CĐL, chỉ muốn hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho nông dân và mua sản phẩm theo từng mùa vụ.
Cần sự nỗ lực của nhiều phía
Ở góc độ khoa học, Phó Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ TS Lại Đình Hòe gợi mở: Cơ cấu và chủng loại giống cây trồng ở Bình Định rất đa dạng và phong phú, nên cần phải lựa chọn cây trồng ưu tiên đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu của thị trường. DN và chính quyền địa phương cũng cần ngồi lại với nhau cùng bàn bạc việc sản xuất, mua- bán sản phẩm gì, từ đó địa phương quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chỉ đạo cho các HTX phối hợp với DN xây dựng dự án sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở đó, triển khai, quán triệt cho từng thành viên HTX thực hiện.
Được biết, thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, liên kết trong sản xuất tiêu thụ nông sản nông nghiệp theo chính sách của UBND tỉnh và Chính phủ, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp, hỗ trợ chính quyền các địa phương và DN quy hoạch diện tích sản xuất tập trung, thực hiện liên kết chuỗi. UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các xã, phường, thị trấn rà soát lại diện tích bắp, mì, đậu phụng có khả năng liên kết sản xuất và tiêu thụ, tạo điều kiện thuận lợi để DN tham gia liên kết chuỗi. Chỉ đạo các HTX đứng ra đại diện cho thành viên phối hợp với DN khảo sát điều kiện đất đai, cùng bàn bạc và thống nhất phương án thực hiện, nhất là chính sách đầu tư, bao tiêu sản phẩm, giá cả… tạo sự đồng thuận của các hộ dân trước khi thực hiện dự án.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Sở NN&PTNT sẽ tổng hợp ý kiến đóng góp của các DN và nhà khoa học, báo cáo UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo. Về phần mình, Sở sẽ chủ động kêu gọi, khuyến khích các DN xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như: bắp, mì, đậu phụng phục vụ công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó, cùng với việc hỗ trợ chỉ dẫn thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, Sở sẽ chú trọng động viên, phân tích để bà con nông dân tôn trọng các cam kết với DN, không tự ý phá vỡ hợp đồng đã ký kết.
PHẠM TIẾN SỸ