Khống chế và loại trừ sốt rét
Những năm qua, công tác phòng chống và tiến đến loại trừ bệnh sốt rét ở tỉnh Bình Ðịnh đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, do nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra sốt rét kháng thuốc cao, nên ngành chức năng không chủ quan, thường xuyên cảnh báo để người dân chủ động phòng ngừa.
“Đến sớm để cán bộ khỏi chờ!”
Là một trong những vùng trọng điểm sốt rét của tỉnh Bình Định, nhưng đến nay mỗi năm xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn chỉ còn một vài ca mắc sốt rét. Những chỉ dẫn về phòng, chống sốt rét của cán bộ y tế được người dân lắng nghe, làm theo, lâu dần điều đó trở thành nếp sống. Chuyển biến nhận thức ấy với những người làm công tác phòng chống sốt rét hay nói vui “đồng bào đã gắn huân chương cho mình”.
Người dân xã Vĩnh An tham gia tẩm màn hóa chất phòng, chống sốt rét.
Có mặt trong ngày tẩm màn hóa chất phòng chống sốt rét ở xã Vĩnh An, cảm nhận đầu tiên của tôi là buổi sáng vui như một ngày hội nhỏ. Thật vậy, xe chúng tôi lên Vĩnh An rất sớm nhưng người dân còn có mặt ở nơi sẽ tẩm màn còn sớm hơn.
Chị Đinh Thị Đốt (35 tuổi, ở làng Giọt 1, xã Vĩnh An) tươi cười: Mình cũng như nhiều bà con ở đây đã giặt màn thật sạch từ mấy hôm trước kia. Cán bộ nói, làm vậy rất tốt vì thuốc thấm vào màn nhiều, lâu phai hóa chất. Có màn tẩm thuốc, tránh được bệnh sốt rét nên ai cũng ưng, lo đi từ sáng sớm để cán bộ khỏi chờ! Nhà mình có con gái học ở Quy Nhơn, nó dặn phải nhớ tẩm màn để giữ sức khỏe mà… nuôi nó!”.
Chị Đinh Thị Léo (40 tuổi, làng Giọt 1, xã Vĩnh An) góp chuyện: “Mình đem tất cả màn có trong nhà giặt thật sạch để tẩm thuốc. Lần nào xã cũng báo trước mấy hôm để dân chuẩn bị. Tới đợt tẩm màn ai cũng tranh thủ gác lại công việc để đem màn đi tẩm. Không những phòng chống được bệnh mà tẩm xong nằm màn không có tiếng muỗi vo ve, ngủ cũng ngon hơn, ai cũng thích. Người làng mình rủ nhau đi tẩm màn cho vui, đi sớm để còn phụ với cán bộ!”.
Cũng như ở xã Vĩnh An, nhiều năm qua, ở thôn T6, xã Đăk Mang, huyện Hoài Ân số lượng và tỉ lệ bệnh sốt rét giảm rất đáng kể. Ông Đinh Văn Chem, Trưởng thôn T6 kể: “Úi, cán bộ đi tuyên truyền nhiều năm rồi, ngủ trong màn, màn tẩm thuốc để phòng bệnh, giờ ai cũng thuộc lòng! Nhờ vậy mà làng tui nay ít khi có người mắc bệnh sốt rét lắm. Mỗi khi có đợt cán bộ về tẩm màn phòng muỗi, tôi chỉ đi thông báo chứ không còn phải vận động, giải thích như trước!”.
Theo ông Huỳnh Bá Thịnh, Giám đốc TTYT huyện Tây Sơn, sau nhiều năm vận động, đến nay, nhận thức của người dân thay đổi rất tích cực, họ nghiêm túc thực hiện các chỉ dẫn của cán bộ y tế, nhờ đó công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn huyện chuyển biến tốt. Dù vậy, chúng tôi vẫn hết sức cảnh giác!.
Thời tiết thất thường, cần cảnh giác cao
Theo báo cáo của Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn (Bộ Y tế), tại Bình Định, công tác phòng, chống sốt rét đạt được nhiều thành quả tốt. Năm 2006, Bình Định có 881 người mắc bệnh sốt rét, 4 người mắc sốt rét ác tính và 2 người tử vong do sốt rét, đến năm 2017 giảm chỉ còn 45 ca. Tuy nhiên, năm 2018, tính đến ngày 28.11, toàn tỉnh ghi nhận 46 trường hợp mắc sốt rét, như vậy không loại trừ khả năng đến cuối năm 2018 sốt rét sẽ có chiều hướng gia tăng.
Hiện tại, các tỉnh lân cận như Gia Lai, Phú Yên sốt rét tăng rất cao, tính đến đầu tháng 11, Phú Yên có hơn 200 ca sốt rét, tính đến cuối tháng 9, tỉnh Gia Lai ghi nhận gần 400 ca sốt rét. Gia Lai là một trong những tỉnh có hiện tượng sốt rét kháng thuốc. Do vậy, để đảm bảo an toàn, Bình Định phải hết sức cảnh giác.
Để chủ động phòng chống sốt rét bùng phát, Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh tích cực triển khai đồng bộ nhiều hoạt động như: điều tra dịch tễ - côn trùng sốt rét, phát hiện các trường hợp mắc, điều trị ký sinh trùng tránh lây lan trong cộng đồng; tẩm màn hóa chất diệt muỗi vùng trọng điểm sốt rét; nâng cao kỹ năng chẩn đoán, điều trị, xét nghiệm cho tuyến y tế cơ sở và đặc biệt là đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp đồng bào thay đổi về nhận thức phòng bệnh.
Bác sĩ CKI Đoàn Văn Ngư, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét và các bệnh nội tiết tỉnh, phân tích: Tình hình sốt rét ở tỉnh ta tạm thời ổn định, nhưng nguy cơ tăng cao trở lại không phải là thấp do gần đây thời tiết biến động quá thất thường. Bên cạnh đó, ở các tỉnh Tây Nguyên tình hình sốt rét đang rất phức tạp, số lượng người dân Bình Định lên đó lao động rất nhiều, phần lớn lại ở rừng, rẫy nên rất dễ tiếp xúc với mầm bệnh sốt rét, nguy cơ mắc bệnh sốt rét kháng thuốc Artemisnin cao. Chống lại bệnh sốt rét là một cuộc chiến đấu thật sự, để phòng chống sốt rét và đánh thắng nó, chúng tôi thường xuyên khuyến cáo người dân sống trong vùng có nguy cơ cao, gần rừng, người đi rừng cần trang bị màn và dụng cụ phòng chống muỗi đốt để tránh sốt rét; nếu có triệu chứng sốt rét, hãy đến ngay cơ sở y tế để được điều trị kịp thời; người mắc sốt rét cần uống đúng thuốc và đủ liều.
THẢO KHUY