Hiền “F5”
Phím F5 trên bàn phím máy vi tính có chức năng refresh, tức làm mới. Đó cũng là cách mà chị Lê Thị Ngọc Hiền (35 tuổi, ở đường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) làm với những món đồ đã cũ hay không còn thích nữa nhưng không nỡ bỏ đi. Bằng cách vẽ, đính hạt cườm, ngọc trai…, chị Hiền “hô biến” những đồ dùng cũ để chúng trông mới mẻ, xinh xắn và bắt mắt. Điều này không những khiến trang phục, vật dụng không nhàm chán, thể hiện được cá tính mà còn tiết kiệm, thân thiện với môi trường.
Chị Lê Thị Ngọc Hiền đã biến một lọ đựng thuốc thành đồ trang trí.
Bắt đầu từ những chai, lọ, những đồ vật không dùng nữa như bình nước, lọ thuốc… chị Hiền vẽ lên, biến chúng trở thành những đồ vật trang trí xinh xắn, sản phẩm decor nhà cửa. Những sản phẩm đó được người thân, bạn bè thích thú. Sau đó, chị vẽ lên quần áo, túi xách… tặng bạn bè, tạo hiệu ứng rất tốt và dần dần chị có đơn hàng từ khá nhiều khách hàng, có người còn nhờ chị vẽ lên áo dài. Chị Hà Thanh Xuân (ở đường 31.3, TP Quy Nhơn) cho biết: “Tôi đã sử dụng nhiều sản phẩm từ Hiền như túi xách, áo, các vật dụng trang trí, cả nhờ vẽ trên áo dài, và cảm thấy thích vì tạo được sự khác biệt”.
Chị Lê Thị Ngọc Hiền chia sẻ: “Xuất phát từ chuyên ngành mỹ thuật nên khi được làm với đúng sở trường để giúp ai đó, tôi thấy rất vui. Khi làm mới một sản phẩm như trang phục, giày dép hoặc túi xách, tùy mẫu mã, chất liệu sản phẩm, nhu cầu của người sử dụng mà tôi sẽ chọn cách làm mới riêng chứ không hẳn chỉ chăm vẽ… Thành ra mỗi món là một tác phẩm không lặp lại. Nói là biến đồ cũ thành đồ mới nhưng chỉ có thể làm với sản phẩm còn nguyên vẹn, chứ nếu hỏng rồi thì rất khó!”.
Chị Hiền sử dụng sơn acrylic - loại sơn gốc nước, có độ bền, có thể giặt rửa, lau chùi và không độc hại - để vẽ nên sản phẩm nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe của khách hàng. Không chỉ thổi màu cho đồ cũ, chị Hiền còn tự may túi xách để tạo nét riêng. Theo chị, một số người thích hàng độc lạ, thể hiện cá tính chứ không chỉ dừng lại ở sản phẩm đẹp, sang là được nên họ có nhu cầu tìm đến sản phẩm handmade.
THẢO KHUY