Giá mà… !?
Sau vụ cháy thiêu rụi Trung tâm thương mại Hải Dương với thiệt hại lên tới 500 tỉ đồng người ta mới ngớ ra rằng công tác phòng chống cháy ở nơi nhạy cảm và quan trọng này rất ư là lỏng lẻo: Hệ thống báo cháy tự động không hoạt động, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, nhiều năm qua không hề có diễn tập phòng cháy chữa cháy và không hề mua bảo hiểm cháy nổ cũng như bảo hiểm tài sản. với hàng loạt cái không như thế thì thiệt hại quá lớn như thế, chứ thiệt hại nữa thì cũng phải chịu. Khi ấy, những tiếng xuýt xoa “giá mà…” như vừa qua đâu có phải thốt ra.
Sau cơn bão số 10, một số cột ăng-ten phát thanh truyền hình, trụ phát sóng viễn thông cao hàng trăm mét đổ sụp gây chết người, mất tài sản hàng trăm tỉ đồng. Năm trước, trụ ăng-ten truyền hình ở Nam Định cũng đổ ụp trong một cơn bão. Sau khi xảy ra các sự cố, người ta mới ngớ ra rằng các trụ ăng- ten này có rất nhiều sai sót trong việc thiết kế, thi công; ngay cả việc định chuẩn cũng… “có vấn đề” nên đã đổ dù cấp bão thực tế thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn thiết kế (!). Đến lúc này một cuộc tổng kiểm tra mới được các cơ quan chức năng tính đến và bắt đầu triển khai. Mùa mưa bão còn vài tháng nữa mới kết thúc không biết có trụ nào xảy ra sự cố hay không. Nhưng… “giá mà…” công tác kiểm tra, kiểm soát tốt hơn từ trước thì đã không xảy ra các vụ việc đã nêu.
Sau khi giá sữa cho trẻ em núp bóng thực phẩm chức năng lên giá ào ào nhờ “chạy” được việc không nằm trong danh mục hàng bình ổn giá, không bị kiểm soát giá thì các cơ quan chức năng mới phát hiện ra chiêu lách luật tinh vi này. Lúc này người ta mới quay qua “tố” nhau về trách nhiệm trong việc để xảy ra nông nỗi. Và chỉ đến khi thủ tướng có chỉ thị cho các cơ quan chức năng rà soát lập lại trật tự thì tình hình mới được vãn hồi. Nhưng trong thời gian lách luật được các hãng sữa nước ngoài đã “vớ bẫm”, còn dân ta thì đã mất cả đống tiền vì sự tăng giá vô tội vạ này rồi. Giá mà trước đó các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm đừng vì lợi ích nhóm hay vụ lợi thì có lẽ chiêu thức lách luật này khó có thể diễn ra ngoạn mục đến thế.
Chỉ với một số chuyện nêu trên đã cho thấy công tác quản lý ở ta còn rất nhiều lỗ hổng. Rõ ràng, nếu chúng ta làm tốt hơn thì sẽ không phải thốt lên hai từ “giá mà” đầy thương cảm và tiếc nuối sau những sự việc mất mát, thiệt hại như đã nêu.
Giá mà… không phải nói… “giá mà” thì tốt biết bao!
Nguyên LuẬn