“Phiếu tín nhiệm là thước đo trách nhiệm”
Sáng 6.12, Kỳ họp thứ 8 HÐND tỉnh khóa XII sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HÐND bầu. Ðây là vấn đề thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo cử tri trong tỉnh. PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Võ Ðình Thú, Phó Chủ tịch HÐND tỉnh, xung quanh nội dung này.
● Xin ông cho biết mục đích, ý nghĩa của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu?
- Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/NQ-QH13 của Quốc hội khóa XIII về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; Hướng dẫn số 321/HD-UBTVQH và số 322/HD-UBTVQH14 ngày 2.10.2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm bao gồm: Chủ tịch HĐND, phó chủ tịch HĐND, trưởng các ban HĐND; chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND và các thành viên khác của UBND tỉnh. Theo quy định trên, tại Kỳ họp thứ 8 này, HĐND tỉnh khóa XII tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 32 người giữ chức vụ do HĐND bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, theo 3 mức độ tín nhiệm: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Các đại biểu HĐND tỉnh khóa XI (nhiệm kỳ 2011-2016) bỏ phiếu tín nhiệm 13 người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu, diễn ra vào cuối năm 2014.
● Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này có điểm gì mới, thưa ông?
- Về cơ cấu tổ chức của UBND, nếu như trước đây, theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, không phải người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND nào cũng là ủy viên của UBND thì đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã mở rộng cơ cấu tổ chức UBND. Theo đó, tất cả người đứng đầu của các cơ quan chuyên môn của UBND đều là ủy viên của UBND. Đây là quy định nhằm phát huy trí tuệ tập thể của các thành viên UBND, tăng cường hiệu lực giám sát của HĐND đối với UBND cùng cấp thông qua cơ chế lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu. Chính vì vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do HĐND bầu lần này có số lượng tăng gấp đôi so với 2 lần trước (năm 2013 lấy phiếu tín nhiệm 15 người, năm 2014 lấy phiếu tín nhiệm 13 người).
Một điểm mới nữa trong lấy phiếu tín nhiệm lần này là người được lấy phiếu tín nhiệm phải bổ sung nội dung tự đánh giá, kiểm điểm về việc có hay không những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Ngoài ra, người được lấy phiếu phải tự đánh giá, kiểm điểm về việc thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 ngày 24.11.2017 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
● Để việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự là thước đo năng lực, hiệu quả công việc đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu, cần phải làm gì, thưa ông?
- Trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những người được lấy phiếu tín nhiệm đã chấp hành việc kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của bản thân và có báo cáo tự đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Qua báo cáo tự đánh giá đều xác định: Thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật đối với chức vụ do HĐND bầu; luôn ra sức tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; không có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); đồng thời, với vai trò chức năng, nhiệm vụ được giao đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chủ trương của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, nhất là Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/NQ-QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Trong thời gian qua, Thường trực HĐND tỉnh chưa nhận được ý kiến nào của đại biểu HĐND tỉnh hoặc kiến nghị của cử tri do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chuyển đến để yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm phải giải trình về những nội dung có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến của cử tri, qua thực tiễn theo dõi, giám sát của mình và từ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật của người giữ chức vụ do HĐND bầu; các đại biểu HDND tỉnh sẽ cân nhắc thận trọng, với tinh thần trách nhiệm, khách quan, toàn diện, dân chủ, đánh giá đúng thực chất để đảm bảo đạt được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do HĐND bầu trong nhiệm kỳ 2016 - 2021.
● Xin cảm ơn ông!
NGUYỄN PHÚC (Thực hiện)