Tìm giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững
Trong buổi thảo luận tổ đầu tiên của Kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XII, diễn ra vào chiều 5.12, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình KT-XH năm 2018 và đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững trong năm 2019.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng cho rằng, kinh tế năm 2018 có bước phát triển ấn tượng, nhưng chưa bền vững.
Ấn tượng nhưng chưa bền vững
Tham gia thảo luận, các đại biểu (ĐB) đều nhận định, với sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các DN, toàn tỉnh đã hoàn thành phần lớn các mục tiêu nghị quyết của Chính phủ và các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách năm 2018. Năm 2018, các chỉ số phát triển KT-XH của tỉnh tăng trưởng khá toàn diện, cao nhất trong 3 năm qua. Nổi bật là tổng sản phẩm địa phương tăng 7,32% (kế hoạch 7 - 7,2%); tổng thu ngân sách đạt xấp xỉ 8.500 tỉ đồng (dự toán năm là gần 6.800 tỉ đồng), vượt 25% dự toán năm và tăng 11,7% so với cùng kỳ.
“Năm 2019 tỉnh sẽ quyết tâm tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng.”
Chủ tịch UBND tỉnh HỒ QUỐC DŨNG
ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) và ĐB Đỗ Ngọc Mỹ (Quy Nhơn) đánh giá bức tranh KT-XH năm 2018 của tỉnh có nhiều điểm sáng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, thu ngân sách làm nên những bứt phá đáng kể; còn sản xuất công nghiệp, dù chưa được như kỳ vọng, song đây là một trong những chỉ số đạt mức cao.
Liên quan đến vấn đề thu ngân sách, ĐB Lê Hoàng Nghi (TX An Nhơn) cho rằng: “Nguồn thu vượt nhiều nhất là từ tiền sử dụng đất, nhưng về lâu dài, nguồn thu từ sản xuất mới là bền vững. Đặc biệt, năm nay lĩnh vực thu ngoài quốc doanh sẽ đạt trên 2.000 tỉ đồng, vượt 5,3%, xóa “dớp” nhiều năm liền không đạt. Đây là lĩnh vực rất quan trọng bởi nhà nước đang chú trọng phát triển kinh tế tư nhân và năm 2018 là năm tiền đề để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong các năm tới”.
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng cũng nhìn nhận, kinh tế năm 2018 có bước phát triển ấn tượng, nhưng chưa bền vững. Yếu tố chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng giá trị kinh tế là ngành chăn nuôi với việc giá heo tăng cao, nhưng việc xuất khẩu lại phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng khiến ĐB Lê Kim Toàn (Hoài Nhơn) trăn trở: “Việc tăng trưởng kinh tế tập trung vào ngành nông nghiệp, trong đó, lĩnh vực chăn nuôi chiếm 51% trong quá trình tăng trưởng là rất bấp bênh”.
Cần giải pháp đột phá
Tìm phương án đảm bảo nước tưới
Trước lo ngại của nhiều ÐB về tình hình thiếu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp năm 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (ảnh) cho biết: “Hiện nay, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh chỉ tích lượng nước bằng 1/3 so với dung tích thiết kế, giảm nhiều so với các năm trước. Tỉnh đã có phương án giải quyết vấn đề này, cụ thể: Phối hợp với các địa phương rà soát cụ thể từng vùng, từ đó đưa ra phương án vùng nào tưới chắc, vùng nào chuyển đổi cây trồng để năng suất cây trồng được đảm bảo; làm việc với Công ty thủy điện An Khê - Kanak về việc phát điện theo lịch tưới của tỉnh, được thế thì nguồn nước sẽ đảm bảo”.
Để thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và đột phá, theo ĐB Lê Kim Toàn, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cần phối hợp tập trung thu hút nhà đầu tư ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, đặc biệt là công nghiệp chế biến. Các sở, ngành cần rà soát, điều chỉnh lại các thủ tục hành chính. Nếu các thủ tục đầu tư còn rườm rà, quy trình lòng vòng, chờ đợi mất thời gian thì vẫn khó thu hút nhà đầu tư. Cán bộ các bộ phận chuyên môn của các sở, ngành cần thay đổi tư duy, quy trình làm việc. UBND tỉnh rà soát lại cơ chế chính sách, phối hợp để giải quyết vướng mắc, kiểm soát hoạt động của DN, tránh tình trạng cấp phép hoạt động là xong.
ĐB Hồ Sĩ Dũng (Hoài Ân) cho rằng: “Hiện nay, toàn tỉnh có 42/63 khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Do vậy, để góp phần tăng trưởng KT-XH, chúng ta cần có những chính sách phù hợp để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa”. Còn ĐB Phạm Hồng Sơn (Quy Nhơn) cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch chung của Khu kinh tế Nhơn Hội là rất cần thiết. “Trước đây, kỳ vọng của chúng ta về Khu kinh tế Nhơn Hội chưa phù hợp với tình hình phát triển chung của đất nước và thế giới. Thời gian đến, tôi đề nghị thu hút đầu tư vào khu kinh tế này phải đảm bảo hài hòa giữa quyền lợi của DN và nhà nước, tránh thất thu cho ngân sách”, ĐB Sơn nói.
Về nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển KT-XH năm 2019, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cho biết: Tỉnh ta đặt ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, khuyến khích phát triển DN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
ĐB Đỗ Ngọc Mỹ (Quy Nhơn) đánh giá bức tranh KT-XH năm 2018 của tỉnh có nhiều điểm sáng.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh cũng nhấn mạnh rằng: “Năm 2019 tỉnh sẽ quyết tâm tạo bước đột phá trong đầu tư hạ tầng. Trong đó, sẽ tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình trọng điểm như: Dự án hồ chứa nước Đồng Mít (An Lão); các tuyến QL 19 mới (từ Cảng Quy Nhơn nối QL 1); tuyến đường phía Tây tỉnh (ĐT 639B) kết nối từ dự án Khu công nghiệp, Đô thị, Dịch vụ Becamex - Bình Định đến TP Quy Nhơn; đường trục Khu kinh tế Nhơn Hội - Sân bay Phù Cát và đường ven biển ĐT 639 đoạn Cát Tiến - Đề Gi (Phù Cát). Ngoài ra, trong 2 năm 2019 - 2020, mỗi năm tỉnh sẽ dành trên 100 tỉ đồng để sửa chữa, mở rộng mặt đường các tuyến đường tỉnh và các tuyến đường địa phương kết nối QL 1. Ngoài sự nỗ lực của tỉnh, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019, các địa phương trong tỉnh cũng phải tự cân đối, sắp xếp các nguồn lực để đầu tư các công trình dân sinh cấp thiết tại địa phương, để người dân yên tâm phát triển kinh tế”.
Các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2019
* Kinh tế: Tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7 - 7,2% (tính theo giá so sánh 2010); trong đó: nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,5 - 9,8%; dịch vụ tăng 7,5 - 7,8%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,8 - 9%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 870 triệu USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 7.561,1 tỉ đồng (trong đó, thu nội địa 6.805 tỉ đồng); tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tăng 9,3%.
* Xã hội: Mức giảm tỉ suất sinh 0,1‰; tạo việc làm mới cho 30.000 lao động; tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề, bồi dưỡng nghề đạt 54% trở lên; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2% (theo tiêu chí mới); tỉ lệ dân số tham gia BHYT đạt 90%; tỉ lệ người lao động tham gia BHXH đạt 16,5%; tỉ lệ trạm y tế có bác sĩ đạt 100%; tỉ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế 99%; đạt trên 30,5 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn dưới 9,3%.
* Môi trường: Tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 99%; tỉ lệ dân cư đô thị sử dụng nước sạch 80%; tỉ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom 90%.
Tổ PV PHÒNG XDĐ-NC-BĐ
Ảnh: VĂN LƯU