Triển khai số hóa truyền hình: Không để người nghèo bị ảnh hưởng
Bình Ðịnh nằm trong nhóm 12 tỉnh thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến cuối năm 2018. Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha khẳng định, số hóa truyền hình không làm ảnh hưởng đến chất lượng sóng và người xem truyền hình, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
“Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” được Chính phủ ban hành, chính thức khởi động từ ngày 1.4.2014, nhằm chuyển đổi hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất từ công nghệ tương tự (analog) sang công nghệ số theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đồng thời, mở rộng vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất phục vụ phát triển KT-XH, cung cấp nhiều dịch vụ truyền hình chất lượng cao. Bình Định nằm trong nhóm tỉnh có lộ trình “tắt sóng” analog vào 31.12.2018 theo đề án của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giờ, Bộ TT&TT chưa “chốt” thời gian ngừng sóng chính thức để chuyển đổi. Việc chuyển đổi sóng sẽ thực hiện khi có thông báo chính thức của Bộ TT&TT; đồng thời, trong thời gian đầu sẽ triển khai song song sóng truyền dẫn và analog để người dân quen dần.
Sở TT&TT phối hợp Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực III và đơn vị liên quan đo khả năng phủ sóng tại các địa bàn trong tỉnh.
Sẵn sàng các điều kiện
Để triển khai lộ trình số hóa truyền hình, bảo đảm các điều kiện ngừng phát sóng truyền hình công nghệ analog, Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh phương án, kế hoạch thực hiện, tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, tập huấn để tuyên truyền lộ trình số hóa truyền hình mặt đất đến người dân. Ông Trần Kim Kha cho biết: “Sở cũng phối hợp Trung tâm Tần số Vô tuyến điện khu vực III (Đà Nẵng) và đơn vị liên quan thực hiện đo khảo sát vùng bị ảnh hưởng khi tắt sóng analog tại các địa bàn có trạm phát chính và trạm phát lại. Vùng ảnh hưởng chuyển đổi là 115 xã, phường, thị trấn của 9 địa phương, trừ 2 huyện miền núi “lõm” sóng là Vĩnh Thạnh, An Lão”, ông Kha cho biết.
Công nghệ truyền hình số cho phép người xem được xem nhiều kênh và chất lượng tốt hơn so với truyền hình analog; số lượng kênh quảng bá miễn phí dao động từ 20 - 30 kênh. Nhưng để xem được truyền hình số mặt đất bằng loại tivi analog, hoặc các loại tivi chưa tích hợp đầu thu, người dùng cần có đầu thu truyền hình số mặt đất (set-top-box).
Bên cạnh việc phát sóng analog qua 2 trạm phát sóng Vũng Chua (TP Quy Nhơn) và trạm phát lại tại xã Hoài Tân (huyện Hoài Nhơn), kênh BTV của Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh còn được phát sóng qua vệ tinh Vinasat 2, trên hạ tầng của dịch vụ truyền hình trả tiền phát trên internet (Viettel, FPT, My TV), trên các kênh truyền hình cáp analog: Quy Nhơn, Tây Nguyên và truyền hình cáp số HTV. Ngoài ra Đài PT-TH tỉnh đã cơ bản hoàn tất các thủ tục pháp lý với Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) để BTV xuất hiện trên truyền hình di động OTT.
Ông Nguyễn Minh Phương, Phó Giám đốc Đài PT-TH tỉnh, cho hay: “Trước mắt, với phương án phát sóng truyền hình kỹ thuật số mặt đất (Digital terrestrial television -
DTT) theo chuẩn DVB-T2 như Bộ TT&TT quy định, BTV sẽ phủ sóng đến tất cả các hộ trước đây đã thu được sóng truyền hình analog của trạm phát sóng Vũng Chua. Riêng đối với những hộ nhận tín hiệu từ trạm phát lại Hoài Tân, trước mắt sẽ chuyển sang thu sóng truyền hình theo phương thức thu sóng qua vệ tinh Vinasat 2 và các phương thức khác”.
Hơn 10.000 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ
Để giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp tục được xem truyền hình, từ nguồn Quỹ dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, Bộ TT&TT đã có chủ trương hỗ trợ set-top-box. Hiện Sở TT&TT đã phối hợp Sở LĐ-TB&XH thống kê, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đáp ứng các điều kiện hỗ trợ đầu thu (thuộc vùng có sóng truyền hình tương tự của BTV, đang sử dụng tivi công nghệ tương tự chưa có đầu thu truyền hình số, chưa tích hợp tính năng thu truyền hình số chuẩn DVB-T2). Mới đây, UBND tỉnh đã báo cáo chính thức Bộ TT&TT danh sách 10.329 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong diện hỗ trợ, bao gồm: 6.980 hộ được hỗ trợ đầu thu DVB-T2, 3.349 hộ được hỗ trợ đầu thu truyền hình số vệ tinh DTH (direct to home).
MAI HOÀNG