“Ăn mày” là ai?
Ca dao có câu: “Ăn mày là ai? Ăn mày là ta/ Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”. Hẳn ai cũng biết ăn mày là ai nhưng tại sao những người đó được gọi là “ăn mày” thì không phải ai cũng rõ.
Trong tiếng Việt, “ăn mày” còn có một từ đồng nghĩa là “ăn xin”. Tuy nhiên, đây không phải là hai tổ hợp tương đương. Bởi vì hai yếu tố “mày” và “xin” không chỉ khác về ngữ nghĩa mà còn khác cả chức năng ngữ pháp. Trong tổ hợp “ăn mày”, “mày” không phải là cách thức để có cái ăn như “xin” mà chính là đối tượng để ăn. Vậy, “mày” là gì mà người ta có thể ăn được và nó liên quan gì đến chuyện “ăn xin”?
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992) định nghĩa “mày” như sau: “lá bắc ở hoa các cây như ngô, lúa, về sau tồn tại dưới dạng hai vẩy nhỏ ở dưới gốc quả (loại quả này quen gọi là hạt). Mày ngô” (tr.611). Khi xay xát lúa, ngô hoặc bóc các loại đậu (nhất là sau khi phơi khô) ta thường thấy một lớp vảy vỏ màu trắng, nhẹ. Đó chính là “mày”.
Mày thường bị bỏ đi vì không có tác dụng gì. Ngay cả vỏ trấu, vỏ đậu còn có thể dùng để đun nấu. Còn “mày” thì không thể tận dụng vào việc gì cả. Người ta không bao giờ ăn mày ngô, mày đậu. Vậy mà vẫn có những người phải ăn loại “thực phẩm” này. Họ được gọi là “ăn mày”, dĩ nhiên, đây chỉ là cách nói thậm xưng.
Từ nghĩa gốc như trên đã nói, “mày” trong “ăn mày” được dùng với nghĩa chuyển để chỉ như thứ nhỏ nhoi, ít ỏi, không đáng giá trị như chút gạo lẻ, cắc bạc lẻ… “Ăn mày” cũng không phải là người “ăn mày lúa, mày ngô” mà được dùng với nghĩa người đói cơm, rách áo, “lần không ra”, phải “xin của bố thí để sống”.
Như vậy, từ nghĩa chỉ hoạt động, “ăn mày” được chuyển nghĩa chỉ người và chỉ cho một lớp người trong xã hội. Đó là những “người chuyên ăn mày để sống” (Từ điển tiếng Việt, Sđd, tr.28).
ThS. PHẠM TUẤN VŨ