Kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XII: Vẫn “nóng”các vấn đề dân sinh
Trong ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 8, HÐND tỉnh khóa XII (ngày 6.12), sau khi nghe các báo cáo, tờ trình, bỏ phiếu tín nhiệm 32 người giữ chức vụ do HÐND bầu, bầu bổ sung Ủy viên UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu HÐND tỉnh đã tập trung thảo luận, đề xuất các vấn đề nóng liên quan đến đời sống dân sinh.
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: VĂN LƯU
Báo động ô nhiễm môi trường
Tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu (ĐB) lo ngại tình trạng ô nhiễm môi trường từ thành thị đến nông thôn. ĐB Đỗ Đình Phương (Quy Nhơn) chuyển đến cơ quan chức năng những bức xúc kéo dài của người dân phường Ghềnh Ráng - nơi có 2 nhà máy may rất “tinh vi” trong xả thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. “Phải kiểm tra, thanh tra thường xuyên, đột xuất mới phát hiện được. Trước đây, tỉnh đã yêu cầu nếu chưa di dời thì nhà máy phải đảm bảo môi trường. Nếu họ không chấp hành nghiêm thì phải đóng cửa, không để ảnh hưởng lâu dài đến người dân”, ông Phương thẳng thắn nói. Còn ĐB Trần Ánh Tuyết (Quy Nhơn) kể lại một cuộc tiếp xúc cử tri mới đây ở phường Trần Quang Diệu, cử tri tập trung rất đông, không khí rất “nóng”. Người dân ở KV 6 rất bức xúc vì tình trạng Bàu Cỏ bị một DN lấn để mở rộng quy mô. Điều đáng nói, Bàu Cỏ là lối thoát nước tự nhiên của cả khu vực, DN không thực hiện trách nhiệm khơi thông, nên chỉ sau mấy ngày mưa nước đã tràn vào nhà.
ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường tại các điểm cụm công nghiệp. Ảnh: HỒNG PHÚC
Trong khi đó, ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) cho rằng, tình trạng ô nhiễm môi trường tại điểm, cụm công nghiệp đang ở mức phổ biến, mức độ nguy hiểm lớn. “Vừa rồi tại CCN Cát Trinh có 3 DN gây ô nhiễm môi trường. Riêng Công ty TNHH Delta Galil Việt Nam, tỉnh đã xử phạt hành chính buộc tạm dừng hoạt động để khắc phục hậu quả. Giờ Công ty này hợp đồng với một đơn vị khác đến chở nước thải đi, không biết chở đi đâu?”.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng giải trình một số vấn đề ĐB nêu tại thảo luận tổ. Ảnh: HỒNG PHÚC
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng thẳng thắn nhìn nhận ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở nông thôn đang là vấn đề đau đầu hiện nay của tỉnh. “Chúng ta có thể xây dựng một nhà máy xử lý rác thải tập trung quy mô lớn, nhưng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề, như: kinh phí vận chuyển rác từ các địa phương về nhà máy, nếu xảy ra ô nhiễm người dân sẽ phản đối dẫn tới điểm nóng và nếu đã làm nhà máy lớn thì DN buộc chúng ta không được cấp phép các nhà máy nhỏ ở khu vực lân cận. Tỉnh đang chỉ đạo các ngành liên quan đi khảo sát thực tế theo hướng một vài xã sẽ làm một nhà máy nhỏ và có thể trình HĐND xem xét tạo cơ chế hỗ trợ giống như hỗ trợ tiền, xi măng trong chương trình bê tông hóa giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020”.
Siết chặt quản lý tài nguyên, khoáng sản
ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Quy Nhơn) nêu một thực tế đáng lo ngại là nhiều tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản lặp đi lặp lại qua nhiều kỳ họp vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Mới nhất là thông tin DN “san phẳng” cả đồi Hỏa Sơn (xã Nhơn Mỹ, TX An Nhơn) dù không có giấy phép khai thác đất đá. “Chúng ta phải xem lại cơ chế phối hợp, rồi quy trách nhiệm như thế nào? Cử tri đặt câu hỏi có hiện tượng “nhờn luật”, hay có tiêu cực trong cơ quan quản lý hay không?”, bà Hương đặt vấn đề.
ĐB Phạm Thị Thanh Hương (Quy Nhơn) kiến nghị cần siết chặt công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản. Ảnh: VĂN LƯU
Trong khi đó, một số ý kiến của ĐB lo lắng việc cần đảm bảo việc khai thác cát đúng quy định, đúng pháp luật, tránh những tổn hại về môi trường, ảnh hưởng dân sinh. Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu lý giải: “Theo quy định, một mỏ cát được cho phép khai thác từ 10-15 năm. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cấp phép khai thác trong vòng 2 năm và yêu cầu mỏ khai thác cát phải cách phạm vi các công trình thủy lợi ít nhất từ 2km. Trước những bức xúc của nhân dân về tình trạng khai thác cát ồ ạt, làm ảnh hưởng dòng chảy, ảnh hưởng môi trường, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra và thực tế các DN đã được tỉnh cấp phép khai thác cát hiện nay cơ bản tuân thủ đúng quy định. Những vi phạm do khai thác cát hiện nay, phần lớn do chúng ta quản lý chưa tốt tại địa phương, dẫn đến tình trạng một số DN chưa xin phép vẫn khai thác. Tỉnh cũng đã có văn bản nghiêm cấm khai thác cát ban đêm từ tháng 6.2018, đồng thời yêu cầu lực lượng liên quan kiểm tra xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm”.
Cần quan tâm đến đời sống người dân
ĐB Sô Minh Phương (Vân Canh) nêu yêu cầu phải quan tâm hơn đến trục “đường - nước - điện” ở 3 huyện miền núi (An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh). Theo ông Phương, đường giao thông ở các huyện miền núi cần được mở rộng để xe tải lớn hoạt động được, phục vụ phát triển công nghiệp. Về nước, lâu nay vẫn phụ thuộc vào “nước trời”, cần chú trọng khâu phân phối nước. Còn điện sinh hoạt thì đã ổn nhưng điện phục vụ phát triển kinh tế vẫn chưa đảm bảo.
Là Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Sô Minh Phương cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa tốt, thậm chí còn buông lỏng. Thanh tra sở, ngành khi phát hiện sai phạm lại không kiến nghị xử lý. “Có tình trạng vì tình cảm, vì nể nang mà khiếu nại nhỏ không giải quyết để bùng phát thành chuyện lớn. Như tình trạng mất an ninh nông thôn ở huyện Phù Mỹ lan từ xã này sang xã kia thời gian qua cũng từ nguyên nhân này mà ra, chưa kể tình trạng cán bộ sợ dân, ngại đối thoại với dân”, ông Phương nói.
ĐB Trịnh Minh Bình (Phù Cát) bày tỏ: Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội được UBND tỉnh cho chủ trương và triển khai thực hiện từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện và cũng không có văn bản nào chính thức trả lời cho người dân biết dự án có tiếp tục thực hiện hay không. Sự chậm trễ này đã ảnh hưởng xấu đến đời sống, sản xuất khiến người dân địa phương bức xúc. Liên quan đến sự việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng giải trình: Dự án Khu du lịch Khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội tỉnh đã hai lần thu hồi, nhà đầu tư đã khởi kiện theo luật quốc tế. Qua rà soát hồ sơ thì thấy chúng ta còn thiếu sót nhiều điểm, do công tác tham mưu chưa chặt chẽ. Đồng thời, Chính phủ đã giao UBND tỉnh khẩn trương kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan đến tranh chấp đầu tư của Công ty Việt Mỹ không để xảy ra khiếu kiện quốc tế. Do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Ban quản lý khu kinh tế và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan khẩn trương thực hiện một số biện pháp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đảm bảo ANTT ở nông thôn
Các ÐB cũng quan tâm nhiều đến tình hình ANTT ở nông thôn diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn ma túy. ÐB Phạm Trương (Hoài Nhơn - ảnh) lo ngại, trên địa bàn huyện tội phạm ma túy tăng về số lượng và mức độ, tang vật vi phạm càng tăng một cách nghiêm trọng, đáng báo động. Tội phạm là thanh thiếu niên dùng hung khí đánh nhau xuất hiện ngày càng nhiều. Hiện nay, Hoài Nhơn xảy ra nhiều vụ TNGT do xe thô sơ, độ chế gây ra, nạn nhân là học sinh chưa có kinh nghiệm né tránh các phương tiện này. ÐB Trương đề nghị các cơ quan chức năng, ngành CA cấp tỉnh chỉ đạo cấp huyện, hướng dẫn CA xã ra quân tăng cường xử lý các phương tiện xe thô sơ, độ chế.
Tổ PV phòng XDĐ - NC - BĐ