Trung tâm Nước sạch - Vệ sinh môi trường nông thôn:
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, Trung tâm Nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn (NSVSMTNT - thuộc Sở NN-PTNT) đã xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung (CTCNTT) ở khu vực nông thôn trong tỉnh, từng bước giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân, đồng thời góp phần giúp các địa phương thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).
Việc giải quyết nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn được tỉnh ta đặc biệt quan tâm. Bên cạnh việc đầu tư xây các CTCNTT, tỉnh ta còn tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi để lắp đặt đường ống dẫn nước từ công trình về nhà sử dụng.
Giai đoạn 2011-2015, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM, tỉnh ta tiếp tục ưu tiên đầu tư xây dựng mới và nâng cấp các CTCNTT đã xây dựng, nhằm giải quyết nước sinh hoạt cho người dân, góp phần giúp các địa phương thực hiện XDNTM có hiệu quả.
CTCNTT Phù Cát hoàn thành đưa vào sử dụng giải quyết nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân các xã khu Đông Phù Cát và Tuy Phước.
- Trong ảnh: Lãnh đạo tỉnh cùng đại diện các sở, ngành và Cơ quan phát triển Bỉ tại Việt Nam tham quan công trình.
Xây dựng nhiều CTCNTT
Điều đáng ghi nhận là việc cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn đã được Trung tâm NSVSMTNT thực hiện khá tốt, từng bước đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân.
Đơn cử như CTCNTT Phước Sơn, xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước), công trình này có công suất thiết kế 3.000 m3/ngày đêm với tổng vốn đầu tư trên 38,34 tỉ đồng, xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2007, cấp nước cho 32.000 người dân ở các xã Phước Sơn, Phước Thuận, Phước Hiệp. Năm 2010, Trung tâm tiếp tục nâng cấp, mở rộng công trình và hiện đang cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 32.919 người dân ở các xã nói trên. Điều dễ nhận thấy là các CTCNTT không những đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan khu vực nông thôn.
“Điều dễ nhận thấy là các công trình cấp nước tập trung không những đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân mà còn góp phần làm đẹp cảnh quan khu vực nông thôn”
CTCNTT Nhơn Tân (xã Nhơn Tân - thị xã An Nhơn) do Trung tâm NSVSMTNT tỉnh làm chủ đầu tư, được xây dựng năm 2007, hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2008, cấp nước cho 3.400 hộ dân ở địa phương. Năm 2010, trước bức xúc và nguyện vọng của người dân các xã Nhơn Lộc, Nhơn Thọ, UBND tỉnh và Sở NN-PTNT giao Trung tâm nâng cấp CTCNTT Nhơn Tân để cấp nước cho người dân 2 xã nói trên. Hiện CTCNTT Nhơn Tân đang cung cấp nước sinh hoạt cho 6.732 người dân ở các xã Nhơn Tân, Nhơn Lộc và Nhơn Thọ.
Người dân các xã: Cát Nhơn, Cát Hưng, Cát Chánh, Cát Tiến (Phù Cát) và Phước Hòa, Phước Thắng (Tuy Phước) cũng được giải quyết khó khăn về nước sinh hoạt khi công trình cấp nước Phù Cát vừa mới hoàn thành (công suất 5.600 m3/ngày đêm, cung cấp nước sinh hoạt cho 84.000 người dân) đưa vào sử dụng. Việc XDNTM tại các địa phương nói trên cũng sẽ thuận lợi hơn khi công trình này phát huy tác dụng.
Hiệu quả đã rõ
Ông Nguyễn Đình Hòa, Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết: “Nước sinh hoạt là bức xúc lâu nay của người dân, bởi vậy CTCNTT Phước Sơn hoàn thành đưa vào sử dụng, người dân địa phương rất phấn khởi. Bà con đã đầu tư lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước từ đường ống chính về nhà và tích cực tham gia bảo vệ công trình. Đến nay, tỉ lệ người dân địa phương sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt khoảng 99%, trong đó có trên 70% số hộ sử dụng nước sinh hoạt từ công trình cấp nước Phước Sơn. Như vậy, chỉ tiêu về tỉ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở Phước Sơn đã được đảm bảo”.
Ông Cao Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc, cho biết: “Toàn xã có trên 300 hộ dân ở 4/6 thôn đã được sử dụng nước sinh hoạt từ CTCNTT Nhơn Tân. Ngoài ra, người dân đã đầu tư kinh phí đóng giếng để lấy nước ngầm sử dụng. Đến nay số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh ở địa phương đạt 99%, đảm bảo chỉ tiêu theo quy định của Trung ương”.
Ông Hồ Đắc Chương, Giám đốc Trung tâm NSVSMTNT, cho biết: Đến nay, tỉnh ta đã xây dựng 136 CTCNTT bằng trọng lực và động lực với tổng công suất thiết kế là 44.920 m3/ngày đêm, phục vụ cấp nước sinh hoạt cho gần 404 ngàn người dân ở khu vực nông thôn. Nhìn chung, các công trình đạt chất lượng tốt, bảo đảm các quy định hiện hành và đã phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, tỉ lệ người dân ở khu vực nông thôn toàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90,5%, trong đó số hộ được sử dụng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn theo quy định của Bộ Y tế là 53,5%.
Cũng theo ông Hồ Đắc Chương, hiện Trung tâm đang phối hợp với chính quyền các xã hưởng lợi từ CTCNTT Phù Cát hỗ trợ người dân lắp đường ống dẫn nước từ công trình về nhà để sử dụng. Trung tâm cũng đang xây dựng dự án nâng cấp các CTCNTT: Nhơn Tân (An Nhơn); Cát Minh (Phù Cát); thị trấn Vân Canh (Vân Canh) và Tây Giang, Tây Thuận (Tây Sơn)”.
“Tiêu chí thứ 17 là tiêu chí về môi trường, bao gồm các chỉ tiêu: Tỉ lệ hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định. Đối với chỉ tiêu nước sinh hoạt hợp vệ sinh, theo quy định và hướng dẫn của Bộ NN-PTNT, đến năm 2015, các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ, trong đó có tỉnh ta phải đảm bảo 85% số hộ dân ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Thực tế cho thấy, có 80% số xã XDNTM trong tỉnh đã đảm bảo chỉ tiêu về nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỉ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh ở tỉnh ta cũng đã đạt trên 90%. Đây là sự nỗ lực lớn của cả tỉnh, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành Nông nghiệp tỉnh”.
Ông PHAN THÀNH GIẢNG, Phó chánh Văn phòng điều phối XDNTM tỉnh
Bài, ảnh: PHẠM TIẾN SỸ