Phải giữ chữ “tín”
Trong liên kết chuỗi, DN và nông dân đóng vai trò là chủ thể thực hiện các điều khoản thông qua hợp đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào nông dân cũng tuân thủ đúng những gì mình đã cam kết. Thời điểm Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO) còn ăn nên làm ra, dù đã nhận hỗ trợ từ chính sách đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và cam kết bán mía cho BISUCO, nhưng nhiều hộ trồng mía trong tỉnh vẫn bán sản phẩm cho DN khác. Năm 2007 Công ty CP Phân bón & Dịch vụ tổng hợp Bình Định đã ký hợp đồng với một số HTX trên địa bàn tỉnh thực hiện dự án sản xuất tiêu thụ lúa an toàn chất lượng cao trên diện tích 40 ha. Các thành viên HTX tham gia sản xuất được DN cho ứng trước giống, hỗ trợ một phần chi phí về vật tư đầu vào và thu mua toàn bộ sản phẩm với giá cao hơn giá thóc thịt tại thời điểm. Tuy nhiên, khi thương lái thu mua lúa với giá cao hơn giá của DN, không ít nông dân đã “bẻ kèo” tự ý phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm cho thương lái, và ngay sau đó chuỗi liên kết đã gãy cầu.
Được đánh giá là đạt hiệu quả cao, nhưng Dự án xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa giống giữa Công ty CP Tập đoàn Thái Bình Seed phối hợp với HTXNN Phước Sơn và HTXNN Phước Hưng cũng xảy ra tình trạng trên. So sánh năng suất lúa giống trên đồng với sản lượng lúa giống mà nông dân bán cho DN, DN biết đã có nhiều nông dân chỉ bán cho DN mình một phần lúa giống đã thu hoạch trong Dự án, phần còn lại đem bán cho đối tác khác. Trước tình huống này, có DN kiến nghị với HTX vận động các thành viên không nên vì cái lợi nhỏ trước mắt mà phá vỡ mối quan hệ làm ăn lâu dài; nhưng không ít DN lẳng lặng rút lui không tiếp tục cuộc chơi nữa.
Trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nhà nông và DN đều rất cần nhau. Đây là mối quan hệ xương sống, đóng vai trò quyết định thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển. Vì vậy, để xây dựng và duy trì liên kết chuỗi, DN cần đảm bảo lợi ích cho nông dân và nông dân cũng cần giữ chữ tín, xem đây là “chất kết dính” của mối liên kết.
MINH HẰNG