Chủ động phòng, chống hạn
Trước nguy cơ hạn hán trong vụ sản xuất Ðông Xuân 2018 - 2019 và cả năm 2019 xảy ra trên diện rộng, chính quyền và ngành chức năng các địa phương đang chủ động triển khai nhiều biện pháp, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh (Sở NN&PTNT), tổng lượng mưa trung bình trên toàn tỉnh từ đầu năm đến nay đạt 1.225 mm, chỉ bằng 56% lượng mưa trung bình của nhiều năm.
Nguy cơ hạn nặng trên diện rộng
Lượng nước mưa bổ sung ít, nên 165 hồ chứa trong tỉnh cũng chỉ tích được trên 234 triệu m3, đạt 40% tổng dung tích thiết kế, trong đó 15 hồ chứa lớn do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bình Định quản lý tích được 178 triệu m3, đạt 39%; các hồ chứa do địa phương quản lý tích được 55,5 triệu m3 nước, đạt 44%. Mực nước các hồ chứa thủy điện Vĩnh Sơn, An Khê - Kanak và Trà Xom đang xấp xỉ mực nước chết. Lưu lượng dòng chảy các con sông lớn trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, nguy cơ xảy ra hạn nặng trên diện rộng là rất cao.
Lượng nước mưa bổ sung ít, nên hồ chứa nước Hội Sơn ở huyện Phù Cát tích được rất ít nước.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Lượng nước tại các hồ chứa quá ít, khả năng cấp nước cho nông nghiệp trong vụ Đông Xuân (ĐX) năm 2018-2019 và cả năm 2019 sẽ khó khăn, nguy cơ xảy ra hạn hán diện rộng. Qua kiểm tra, rà soát chúng tôi đã xác định được 43.613 ha cây trồng vụ ĐX (chủ yếu diện tích lúa) có thể đảm bảo được nước tưới và 6.905 ha thiếu nước từ 2-3 đợt nước cần phải chống hạn, trong đó có 3.949 ha ăn nước từ các công trình thủy lợi do Công ty TNHH KTCTTL Bình Định quản lý và 2.956 ha nhận nước từ các công trình do địa phương quản lý. Ngay cả nước sinh hoạt cũng rất căng thẳng. Dự kiến, đầu mùa khô sẽ có hơn 7.000 hộ bị thiếu nước sinh hoạt (cụ thể tại huyện Phù Mỹ sẽ có 1.900 hộ, Vân Canh 1.180 hộ, Tây Sơn 1.050 hộ, Tuy Phước 850 hộ, Hoài Ân 700 hộ, Phù Cát 700 hộ, TX An Nhơn 550 hộ, An Lão 300 hộ, Hoài Nhơn 270 hộ). Nhưng từ khoảng tháng 3.2019 trở đi, số hộ bị thiếu nước sinh hoạt sẽ tăng vọt lên khoảng 15.000 hộ với 63.000 nhân khẩu. Do vậy, ngay từ bây giờ chúng tôi đã phải tìm giải pháp chống hạn để bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho dân.
Phương án phòng chống hạn đã được ngành chức năng và chính quyền các địa phương triển khai ngay từ đầu vụ sản xuất. Hiện Công ty TNHH KTCTTL Bình Định đã kiểm tra nguồn nước, xác định các khu vực chủ động được nước tưới, khu vực phải chống hạn, xây dựng phương án cung cấp nước tưới, thông báo cho chính quyền các địa phương biết để chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất.
Linh hoạt thích ứng với hạn hán
Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Công ty TNHH KTCTTL Bình Định cho biết: Vụ ĐX 2018 - 2019, các công trình do công ty quản lý có khả năng cấp nước tưới cho 27.833/27.944 ha sản xuất lúa vụ ĐX hàng năm, trong đó có 23.995 ha đảm bảo tưới chắc; khoảng 3.838 ha ở TX An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Nhơn phải chống hạn từ 2-3 đợt tưới cuối vụ; 111 ha thuộc hệ thống tưới hồ Hà Nhe (Vĩnh Thạnh) không có nước tưới suốt cả vụ. Hiện chúng tôi đã huy động nhân lực, máy móc nạo vét kênh mương; xây dựng lịch tưới cụ thể cho vùng sản xuất. Đối với những vùng thiếu nguồn nước tưới, công ty sẽ dùng các máy bơm nước từ công trình hoặc từ các con sông để cung cấp nước cho cây trồng.
Tranh thủ nguồn nước mưa, nông dân huyện Phù Mỹ cải tạo ruộng đồng để sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019.
Khảo sát công tác phòng chống hạn hán tại huyện Phù Mỹ cho thấy, là một trong những địa phương thường xảy ra hạn hán trên diện rộng, nên địa phương này đã triển khai công tác chống hạn ngay từ đầu vụ sản xuất.Nguồn nước tại các công trình thủy lợi ở địa phương chỉ đảm bảo nước tưới cho khoảng 9.380 ha cây trồng vụ ĐX. Dự kiến có trên 1.000 ha ở các xã Mỹ Trinh, Mỹ Lộc, Mỹ Hòa… có khả năng bị hạn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Hà Ngọc Tân cho hay: Huyện sẽ thành lập Ban chỉ đạo phòng chống hạn và Hội đồng điều phối nước để chỉ đạo công tác phòng chống hạn; vận động nông dân chuyển đổi hơn 300 ha đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn; củng cố các đội thủy nông điều tiết nước tưới hợp lý, tránh tình trạng tranh giành nguồn nước.
Có lẽ đã quen với chuyện phòng chống hạn nên nông dân Phù Mỹ khá linh hoạt trong chủ động thích ứng. Bà Phan Thị Hoa, ở thôn Vạn Ninh 2, xã Mỹ Tài, huyện Phù Mỹ, cho biết: Gia đình tôi có 2 sào đất thường sử dụng để sản xuất 3 vụ lúa/năm. Năm nào mưa thuận, gió hòa, nước nôi đầy đủ, lúa phát triển tốt, gia đình tôi có thu nhập từ 9-10 triệu đồng. Gặp năm nắng hạn, gia đình tôi linh động chuyển đổi sang trồng ớt hoặc bắp xen mè. Thực tế trong năm 2018 cho thấy, thu nhập từ các loại cây trồng cạn trên đất lúa cao gấp 2 lần so với trồng lúa. Bởi vậy, vụ ĐX năm 2018-2019, tôi sử dụng 2 sào đất hiện có để trồng ớt.
Được biết, Phù Mỹ đã cho kiểm tra các trạm bơm hiện có để sẵn sàng phục vụ công tác bơm nước chống hạn cho những vùng có nguy cơ xảy ra hạn hán. Huyện cũng yêu cầu đơn vị quản lý các công trình cấp nước sạch, mở mạng đường ống dẫn nước để cung cấp cho người dân. Những vùng không có khả năng cung cấp nước, sử dụng phương tiện vận chuyển đưa nước đến cho dân sử dụng.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện Sở NN&PTNT đã xây dựng lịch thời vụ, cơ cấu giống, kế hoạch tưới, lịch tưới, lịch bơm nước thông báo cho các địa phương biết để chủ động bố trí sản xuất. Bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền các địa phương vận động nông dân tranh thủ nguồn nước mưa, tiến hành cải tạo ruộng đồng để xuống giống lúa, đồng thời chuyển đổi những diện tích thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn, tư vấn cho nông dân sử dụng các giống cây thích ứng với điều kiện hạn hán. Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phát huy công suất các nhà máy nước sạch tập trung, chủ động mở rộng hệ thống đường ống đã xây dựng để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
PHẠM TIẾN SỸ