Bộ Nội vụ đề nghị tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ ngày 3.12, trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Để sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về thực hiện một số mô hình thí điểm theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và dự thảo Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, trình Chính phủ và báo cáo Ban Cán sự đảng Chính phủ để trình Bộ Chính trị cho ý kiến
Các vấn đề xin ý kiến liên quan đến khung số lượng cơ quan chuyên môn, tiêu chí thành lập tổ chức, biên chế tối thiểu, số lượng cấp phó tối đa của một tổ chức hành chính ở địa phương, làm cơ sở để phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương.
Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ ngày 3.12, trong khi Chính phủ chưa ban hành 2 Nghị định nêu trên, Bộ Nội vụ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Lào Cai là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện sáp nhập hai sở Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng thành Sở Giao thông vận tải - Xây dựng Lào Cai (tháng 7.2018) để tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành chuyên môn thuộc tỉnh. Vào đầu tháng 11.2018 vừa qua, tỉnh Bạc Liêu cũng đã tiến hành sáp nhập một số sở có chức năng tương đồng. Theo đó, kết thúc hoạt động của Sở Ngoại vụ, chuyển chức năng, nhiệm vụ của Sở này về Văn phòng UBND tỉnh. Hợp nhất Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Thông tin và Truyền thông để thành lập Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch. Hợp nhất Sở Giáo dục và Đào tạo với Sở Khoa học và Công nghệ thành Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ. Chuyển Ban Tôn giáo trực thuộc Sở Nội vụ về Ban Dân tộc tỉnh để thành lập mới Ban Dân tộc và Tôn giáo. Sau khi sắp xếp, sáp nhập, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Bạc Liêu còn 16 đơn vị, giảm ba cơ quan chuyên môn, giảm 22 tổ chức bên trong (các phòng, ban).
Tuy nhiên, thời gian qua, việc sáp nhập cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện ở các địa phương không có sự thống nhất, gây nhiều băn khoăn trong dư luận. Dù chưa có hướng dẫn cụ thể chung về sáp nhập trung tâm dân số vào trung tâm y tế nhưng đến nay nhiều tỉnh, thành phố đã quyết định sáp nhập và mỗi nơi làm theo cách khác nhau. Chẳng hạn, Quảng Ninh sáp nhập nguyên trạng trung tâm dân số vào thành một phòng trong trung tâm y tế tuyến huyện; viên chức dân số xã về trạm y tế xã. Nhưng do chưa có hướng dẫn bổ nhiệm lãnh đạo phòng, do đó nguyên giám đốc và phó giám đốc trung tâm dân số vẫn chưa có chức danh để hoạt động tại phòng mới ở trung tâm y tế.
Còn tại Thái Bình, hướng sáp nhập là thống nhất một mô hình đó là trung tâm y tế có 3 phòng và 5 khoa, trong đó có phòng dân số truyền thông giáo dục sức khỏe. Sau khi sáp nhập, giám đốc trung tâm dân số sẽ làm phó giám đốc trung tâm y tế. Hà Nội cũng đã có quyết định bàn giao nguyên trạng toàn bộ tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính trung tâm dân số về trung tâm y tế và giữ nguyên bộ máy dân số hoạt động ở tuyến xã.
Theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Nội vụ đề xuất các Sở được tổ chức thống nhất ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Sở Tư pháp, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế.
Các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa – Thể thao và Du lịch (hoặc Sở Văn hóa, Thể thao) do UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định việc giữ ổn định hoặc hợp nhất.
Các sở giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc thực hiện thí điểm hợp nhất gồm Sở Nội vụ (thí điểm hợp nhất với Ban Tổ chức); Thanh tra tỉnh (thí điểm hợp nhất với Ủy ban Kiểm tra); Văn phòng UBND (thí điểm hợp nhất với Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và Văn phòng HĐND cấp tỉnh).
Đối với 4 sở đặc thù, chuyên ngành, không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương, gồm: Sở Quy hoạch – Kiến trúc thuộc UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và 3 sở do Chính phủ quy định tiêu chí thành lập (Ban Dân tộc, Sở Ngoại vụ, Sở Du lịch) giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập, kể cả khi đáp ứng đủ tiêu chí thành lập.
Theo Chu Thanh Vân (TTXVN/ Tin tức)