Kỳ thị lòng tốt
Trưa. Trong cái nóng bỏng rát tấp lên từ lòng đường nhựa, dòng xe máy hối hả vượt cầu cao. Ít người để ý, ở lưng chừng cầu, có chiếc xe lăn đang bất động. Người ngồi trên xe lăn ấy, tay đang ghì chặt lấy bánh xe để tránh tuột dốc. Bên dưới chiếc mũ đã bạc màu, đôi mắt ông dáo dác nhìn xung quanh để tìm lấy một sự giúp đỡ. Lưng áo ông đã ướt đầm tự lúc nào.
Dòng người vẫn lướt qua. Người đàn ông trên xe lăn vẫn dáo dác tìm. Phải hơn 5 phút sau, ông mới nhìn thấy một người đàn ông trung niên quay xe lại. Vừa dừng xe bên xe lăn, người đàn ông kia đã nghe thấy tiếng hét lớn phía sau: “Đi đứng kiểu gì lạ, ông già!”. Ném cho ông một cái nhìn khinh khỉnh, hai thanh niên, chủ nhân của câu nói nọ, rồ ga phóng đi khi ông bắt đầu lặng lẽ đẩy xe lăn lên đỉnh cầu. Nhận lấy lời cảm ơn từ người ngồi trên chiếc xe lăn, ông chậm rãi rời đi, vẻ buồn buồn.
Tôi nghe được câu chuyện từ bác Ba, người ngồi trên chiếc xe lăn trưa ấy. Bấy lâu, báo chí vẫn nhắc về khái niệm “sống vội”. Hôm nay, tôi đã thấy nó hiển hiện trong câu chuyện của bác Ba. Hẳn, đã có nhiều lắm những người khiếm khuyết như bác Ba đứng chơ vơ, bất lực giữa chân cầu hoặc một nơi nào khác, mong mỏi một sự giúp đỡ từ những người xung quanh. Nhưng vì vội, người ta chẳng nhìn thấy. Và vì vội, người ta đâm ra vô tâm, vô tình?
Hai thanh niên nọ, có thể họ cũng vội nên khó chịu khi việc lưu thông bỗng chậm lại. Nhưng trước hành động của người đàn ông tốt bụng kia, họ lại có cái nhìn lạ lẫm và có phần kỳ thị. Họ đã được dạy phải giúp đỡ người khác, đặc biệt là những người thiệt thòi trong cuộc sống, từ khi còn học mẫu giáo. Tôi biết, họ cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ, giúp đỡ người yêu, bạn bè khi gặp khó khăn. Vậy tại sao họ lại khó chịu trước sự giúp đỡ của một người lạ với những người cần được giúp đỡ? Phải chăng, trong nhịp sống hôm nay, người ta dần thờ ơ với những thứ không liên quan đến mình?
HÀ THANH