“Mùa mưa” và “mùa đông”
Chúng ta đang ở trong những ngày của mùa mà có nơi gọi là “mùa đông”, có nơi lại gọi là “mùa mưa”? Với nhiều người, “mùa mưa” và “mùa đông” là một.
Ở nước ta, mùa đông và mùa mưa chỉ trùng hợp về một phần thời gian diễn ra và một số đặc trưng khí hậu. Chứ thật ra, “mùa đông” hoàn toàn khác “mùa mưa”.
Như đã biết, lãnh thổ Việt Nam trên đất liền kéo dài từ Bắc vào Nam với chiều dài 1.648 km (đường chim bay). Do những khác biệt về đặc điểm địa lý, khí hậu ở các vùng miền trong cả nước không hoàn toàn giống nhau. Ở miền Bắc, một năm được chia làm 4 mùa xuân, hạ, thu, đông; trong đó, mùa đông thường bắt đầu từ tháng 11, kéo dài đến hết tháng 1 năm sau, có tính chất lạnh, khô.
Trong khi đó, ở miền Nam, tính chất 4 mùa lại không rõ rệt. Một năm chỉ 2 mùa là mùa nắng (hoặc mùa khô) và mùa mưa; trong đó, mùa mưa thường từ tháng 5 đến tháng 11, mưa nhiều, độ ẩm cao.
Ở miền Trung, mùa mưa thường từ tháng 9 đến tháng 12, mưa nhiều, thường kèm theo bão (nên còn gọi là “mùa mưa bão”).
Vì đặc điểm khí hậu khác nhau nên cách tên gọi các mùa ở 2 miền cũng khác nhau. Người miền Bắc gọi “mùa đông”, ít khi gọi “mùa mưa”. Người miền Nam thì ngược lại. Cho nên, quê của nhân vật “em” trong câu hát “quê em hai mùa mưa nắng” chắc chắn là người miền Nam.
Về mặt ngữ nghĩa, “mưa” trong “mùa mưa” ai cũng hiểu. Nhưng “đông” trong “mùa đông” là gì thì không phải ai cũng rõ.
“Đông” nói trên là một từ Việt gốc Hán. Trong tiếng Hán, chữ “đông” thuộc bộ “băng”, là tên mùa thứ tư trong bốn mùa của năm, tức “mùa đông”. Theo sách Tìm về cội nguồn chữ Hán của tác giả Lý Lạc Nghị, tự dạng của chữ “đông” có nghĩa là “cuối cùng” (Nxb Thế Giới, 1997, tr.214). Từ này đồng nghĩa vời từ “chung”, cũng có nghĩa là “cuối cùng” (như trong “chung cuộc”, “chung kết”). Thực tế, tự dạng của hai từ này rất gần nhau.
Có lẽ, với nghĩa gốc là “cuối cùng”, từ “đông” được dùng để đặt tên cho mùa cuối cùng trong năm, tức “mùa đông”.
ThS PHẠM TUẤN VŨ