Bồi dưỡng công tác tư vấn tâm lý học đường: Biết cách gần gũi học sinh hơn
Sở GD&ÐT phối hợp với Trường ÐH Sư phạm Hà Nội đang tổ chức lớp bồi dưỡng công tác tư vấn tâm lý học đường cho 240 cán bộ, giáo viên THCS và THPT trong tỉnh. Theo kế hoạch của Sở, trong giai đoạn 2018 - 2020 sẽ có tổng cộng 888 cán bộ, giáo viên tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn này.
Chương trình ngoại khóa tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản và bình đẳng giới của Trường THPT Nguyễn Thái Học thu hút rất đông học sinh và phụ huynh tham dự.
Nhiều phụ huynh và học sinh đã vui mừng đón nhận thông tin trên bởi việc trang bị chuyên môn bài bản cho đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý là rất quan trọng và cần thiết. Chị Lê Lan Ly (ở TX An Nhơn) có con trai học lớp 8 đã bày tỏ: “Tôi còn được biết giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý sẽ được giảm từ 3 - 8 tiết/tuần để thực hiện nhiệm vụ. Có hẳn một khoảng thời gian cố định như vậy cùng với kiến thức được bồi dưỡng bài bản từ lớp học, đội ngũ tư vấn viên này sẽ giúp học sinh tốt hơn”.
Các nội dung được giới thiệu tại lớp bồi dưỡng gồm: Các kỹ năng tư vấn học đường cơ bản, một số vấn đề chung về tư vấn học đường và nhu cầu tư vấn, tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản, tìm hiểu đánh giá khó khăn tâm lý của học sinh, tư vấn học sinh có hành vi lệch chuẩn, tư vấn học sinh gặp khó khăn về tâm lý, tư vấn học tập và hướng nghiệp.
Không chỉ phụ huynh, học sinh mà cả ban giám hiệu các trường cũng hết sức phấn khởi. Ông Huỳnh Châu Phong, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học, cho biết: Từ lâu rồi, trường muốn thành lập một phòng tư vấn tâm lý học sinh với đội ngũ chuyên nghiệp bởi nhà trường có nhiều học sinh cha mẹ đi làm xa hoặc không còn chung sống với nhau; trong mối quan hệ bạn bè, nhiều em gặp nhiều bế tắc, cần có người giúp giải tỏa, định hướng.
Có cùng tâm trạng như thầy Phong, cô Đinh Thị Mai My, Phó Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, trò chuyện: “Học sinh trường tôi thường xuyên gặp vấn đề về tâm lý như nhớ làng, nhớ nhà, không quen môi trường học tập, khúc mắc với bạn bè, cùng một số vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản. Không biết vin vào đâu nên một số em cởi mở chia sẻ với thầy cô giáo. Trước giờ tôi và đồng nghiệp luôn nhiệt tình khuyên bảo các em nhưng cũng chỉ từ kinh nghiệm bản thân là nhiều”.
Ở cấp THCS, thầy giáo Lê Văn Phong, Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn) tỏ ra tâm đắc với phương pháp tiếp cận học sinh mà lớp tập huấn đưa ra. Thầy Phong cho hay: “Khi học sinh tìm đến mình, các em thường ở trong trạng thái tâm lý có ngưỡng cao, rất giận dữ, bức xúc, khóc lóc, hoặc rất buồn bã, thất vọng, chán nản. Tôi đã học được cách giúp các em lắng dịu cảm xúc, tìm lại thăng bằng; tạo sự tin cậy để các em có thể giãi bày với mình”.
Hiệu quả của lớp học đã thấy rõ dù chỉ qua một nửa thời gian (4/8 buổi). Tuy nhiên, nhiều giáo viên băn khoăn chương trình bồi dưỡng gọn quá trong khi vấn đề tư vấn tâm lý khá rộng và đa dạng, liệu có đủ để các thầy cô đảm bảo thực hiện tốt công việc không. Liên quan đến việc này, thầy Huỳnh Lê Minh (Trường THPT Quốc học Quy Nhơn), lớp trưởng lớp bồi dưỡng, khẳng định, việc học của người làm công tác tư vấn tâm lý học sinh là “học, học nữa, học mãi” và những vấn đề các học viên được học đến nay là rất cơ bản, có tính nền tảng, công cụ. Đa số học viên hài lòng với cách dạy thiên về thảo luận, thực hành, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn. So với những gì đã làm lâu nay mang nặng chất cảm tính, vin vào kinh nghiệm bản thân, “được chăng hay chớ” thì lớp bồi dưỡng này thực sự rất bổ ích.
NGỌC TÚ