Nhà vệ sinh ở các điểm đến tháp Chăm: Chưa đạt yêu cầu
Hệ thống di tích tháp cổ Chămpa trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tỉnh và ngành VH&TT quan tâm trùng tu, tôn tạo, chẳng những đáp ứng yêu cầu bảo tồn, bảo tàng, mà còn được phát huy giá trị di tích thông qua hoạt động khai thác phục vụ du lịch; nhất là ở các cụm tháp: Dương Long (Tây Sơn), Bánh Ít (Tuy Phước) và tháp Đôi (Quy Nhơn).
NVS công cộng ở tháp Bánh Ít vừa hôi, vừa là nơi chứa vật liệu (ảnh chụp ngày 22.11).
Trong số các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, 3 cụm tháp nói trên luôn được du khách quan tâm. Tham quan 3 cụm tháp, du khách rất ngưỡng mộ kiến trúc tháp độc đáo, hoành tráng và tinh tế với một không gian văn hóa đặc sắc… Tuy nhiên, bên cạnh những trải nghiệm, du khách đều không thể hài lòng với các nhà vệ sinh (NVS) ở đây.
Tất cả 3 NVS của 3 cụm tháp đều được đặt bên trong nhà đón tiếp khách tại di tích; đều nhỏ hẹp và không đạt chuẩn theo quy định của Tổng cục Du lịch. Cụ thể, NVS ở tháp Dương Long không hoạt động vì không có nước; nghe đâu máy bơm nước bị hỏng đã lâu mà không được sửa chữa. NVS ở tháp Bánh Ít vừa hôi, vừa kết hợp sử dụng làm nơi chứa vật liệu. NVS ở tháp Đôi cũng không hơn gì 2 NVS nói trên.
Có thể nói, du lịch Bình Định đang phát triển mạnh mẽ, và đang trên đường trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển. Trong đó, vấn đề NVS đạt chuẩn cũng được ngành Du lịch tỉnh thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, đôn đốc các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện; đã phát động và gắn logo xã hội hóa NVS dành cho khách du lịch… Rất đáng tiếc là các đơn vị quản lý các di tích tháp Chăm (và cũng là điểm đến du lịch) không chú trọng đến vấn đề này.
Thiếu NVS công cộng đạt chuẩn tại các điểm đến du lịch luôn là điểm yếu của du lịch Bình Định, nhưng không được khắc phục. Phải chăng đây là vấn đề “khó nói” nên không được quan tâm?
NGUYÊN VŨ