Ðể phát triển bền vững nghề biển: Ngư dân phải được đào tạo nghề
Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để ngư dân đóng mới, nâng cấp đội tàu công suất lớn để vươn khơi, đánh bắt đạt hiệu quả cao. Ðể người đi biển làm chủ thiết bị, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm hiện đại, hướng tới phát triển nghề biển bền vững, một vấn đề khá cấp bách được đặt ra là cần có giải pháp đào tạo, nâng cao trình độ cho ngư dân.
Nói cách khác, để làm ngư dân, người lao động buộc phải học nghề. Bởi lẽ, nghề đánh cá ở tỉnh ta hiện vẫn theo cung cách xưa bày nay làm, nên hiệu quả thấp. Ngư dân vẫn loay hoay khi tiếp cận công nghệ, thiết bị hiện đại.
Ngư dân xã Cát Khánh (huyện Phù Cát) chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi.
Tàu thép, thiết bị tiền tỉ nhưng…
Ông Phạm Ngọc Châu, ở xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu vỏ thép BĐ 99169 TS, cho biết: “Gia đình tui nhiều đời làm biển, bản thân tui cũng hơn 20 năm làm thuyền trưởng, nhưng trước giờ chỉ quen điều khiển tàu vỏ gỗ, đến khi tiếp nhận tàu vỏ thép công suất lớn với nhiều thiết bị hiện đại vận hành phức tạp, tôi rất bỡ ngỡ. Phải hơn 2 tháng ròng rã tự tìm hiểu, mày mò theo sổ hướng dẫn sử dụng tàu mới tạm thành thạo việc điều khiển tàu! Thiệt tình, một con tàu với trang bị hiện đại buộc mình và anh em trên tàu phải học rất nhiều, không học thì không thể phát huy hết sức mạnh của nó, uổng lắm!”.
Ngư dân Nguyễn Thành Trung, ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, hiện đang là thuyền viên một tàu đánh cá tại Hàn Quốc, kể: Nghề biển ở Hàn Quốc khác xa so với ở mình. Công việc của họ được máy móc hỗ trợ rất nhiều, tàu của họ lớn hơn, mạnh hơn nhưng thường chỉ có từ 4 - 7 lao động. Mình là ngư dân đã quen với nghề biển bên mình, nhưng sang bên đó gần như tất cả đều phải học nghề. Không học thì không làm chủ thiết bị, công nghệ được. Thậm chí đến cả thói quen sinh hoạt, sử dụng các dụng cụ, máy móc phục vụ đời sống trên tàu cũng phải học. Nhưng bù lại khi mình làm được việc thì thu nhập rất tốt, lương tháng ổn định từ 1.000 - 1.100 USD/người.
Một mối băn khoăn lớn khác của nhiều ngư dân là làm sao xử lý những sự cố về tàu thuyền, máy móc khi đang hoạt động trên biển. Ông Nguyễn Văn Quang, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 97274 TS, cho hay: “Với những trục trặc nhỏ về máy chính, máy điện trên tàu, chúng tôi có thể dựa theo kinh nghiệm mà khắc phục. Nhưng rủi gặp trường hợp máy bị hư hỏng nặng, phức tạp thì… Thiết bị hiện đại buộc mình phải có trình độ kỹ thuật tương xứng”.
Cùng với các nỗi lo về kỹ thuật, hầu hết thuyền viên trên các tàu cá đều làm việc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, chưa được đào tạo nghiệp vụ thuyền viên. Ngư dân Phan Thanh Hà, ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn), thuyền viên tàu cá BĐ 91368 TS, bộc bạch: Lâu nay người đi trước chỉ người đi sau, làm riết rồi thạo việc, chứ làm gì có chuyện dạy nghề làm ngư dân đánh cá. Nhưng tôi nghĩ nếu được học hành bài bản hiệu quả sẽ cao, mất ít thời gian hơn.
Học để làm chủ
Hàng năm, ngành chức năng tổ chức nhiều lớp đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng và hầu hết các tàu cá công suất lớn trong tỉnh đều đáp ứng được các quy định phải có thuyền trưởng, máy trưởng đã qua đào tạo. Song, thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo chưa cao, trình độ ngư dân còn thấp, khó đáp ứng được yêu cầu trong khai thác đánh bắt hiện đại. Mặt khác, rất khó buộc thuyền viên học nghề vì nghề biển hiện đang thiếu nhiều lao động, lực lượng này không ổn định, nếu đặt ra yêu cầu có nghề bài bản, nhiều khả năng hàng loạt tàu cá sẽ thiếu thuyền viên. Thế nhưng tất cả các chuyên gia chúng tôi có dịp trao đổi đều khẳng định, muốn phát triển bền vững nghề biển, tất cả lao động tham gia sản xuất đều phải được đào tạo chuyên nghiệp!
Toàn tỉnh hiện có hơn 6.200 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV; trong đó, tàu cá công suất lớn dài từ 15 m trở lên có khoảng 2.900 chiếc, tạo việc làm cho khoảng 43.000 lao động trên biển. Năm 2018, sản lượng khai thác thủy sản biển ước đạt 230 ngàn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương ước đạt 10.050 tấn, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Dù sản lượng khai thác thủy sản ở tỉnh ta năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng do trình độ đánh bắt, bảo quản sản phẩm của ngư dân còn thấp nên giá trị kinh tế chưa tương xứng.
Ông Võ Đình Tâm - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) phân tích: Để giúp ngư dân tiếp cận công nghệ đánh bắt mới nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản, cần nâng cao chất lượng đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, chú trọng đào tạo thuyền viên. Việc đào tạo phải có bài bản, gắn với thực hành và cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ, ngư dân có thể ứng dụng ngay vào sản xuất. Tăng cường tập huấn, giới thiệu, hướng dẫn ngư dân các kỹ thuật cần thiết như: làm chủ thiết bị, dò tìm luồng cá, bảo quản thủy sản sau khai thác. Kêu gọi DN tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Và đặc biệt là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân trong khai thác đánh bắt thủy sản, bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN