Tình hình phạm pháp hình sự năm 2018: Diễn biến phức tạp
Dù ngành chức năng đã chủ động phối hợp trong công tác xử lý, đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhưng tình hình tội phạm trên địa bàn tỉnh năm 2018 có nhiều diễn biến phức tạp. Ðáng chú ý, tính chất, mức độ phạm tội của một số loại tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động.
Quang cảnh một phiên tòa xét xử tội phạm là thanh thiếu niên.
Nảy sinh nhiều phức tạp
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, ngành chức năng đã khởi tố 668 vụ/1.328 bị can, tăng 96 vụ/305 bị can so với cùng kỳ. Trong đó, tội phạm về trật tự xã hội, tội phạm về môi trường, kinh tế đều tăng. Ông Nguyễn Thanh Trà, Phó Chánh án TAND tỉnh, nhìn nhận: “Qua công tác xét xử thời gian gần đây cho thấy, đối tượng vi phạm pháp luật ngày một trẻ hóa, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Đáng nói, tội giết người tăng cả về số lượng và tính chất rất nghiêm trọng. Đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn, manh động; xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống hàng ngày, nhưng vẫn ra tay giết người, trong đó có đối tượng phạm tội khi chưa thành niên”.
Đơn cử như vụ án Lê Văn Tấn (SN 1999) và Nguyễn Quang Thái (SN 1998, cùng ở xã Phước Mỹ, TP Quy Nhơn) phạm tội giết người. Nguyên nhân là do trước đó, Tấn điện thoại cho nạn nhân, nhưng vì say nên nạn nhân có lời nói bất nhã. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó và được đối tượng giải quyết bằng bạo lực, hậu quả là 1 người chết, 2 người đi tù. Theo ngành chức năng, tội phạm giết người chủ yếu là do mâu thuẫn xã hội, song cũng nổi lên một số vụ án do chính người thân gây ra.
Đáng chú ý, tệ nạn cờ bạc dưới hình thức số đề, cá độ bóng đá, hiện tượng đòi nợ thuê và tệ nạn ma túy ngày càng diễn biến phức tạp. Tại Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh vừa bế mạc hôm qua (7.12), một số đại biểu tỏ ra lo ngại trước tình hình an ninh nông thôn diễn biến phức tạp. Bên cạnh nạn sử dụng chất kích thích, hướng thần, ma túy thì “tín dụng đen” cũng đang “vươn vòi” khắp nơi. Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Hoàng Phi Long lo ngại: “Gần 90% các vụ án dân sự trên địa bàn huyện chủ yếu xuất phát từ vay mượn và tranh chấp đất đai. Hiện nay, tuy không ồ ạt nhưng tình trạng vay “tín dụng đen” trong dân diễn ra khá nhiều, nếu vỡ ra thì sẽ để lại hậu quả mang tính chất dây chuyền rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần có giải pháp căn cơ trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân nắm bắt, hiểu rõ hệ lụy từ “tín dụng đen””.
Xử lý: Cần đồng bộ, quyết liệt
Mặc dù ngành chức năng đã quyết liệt phòng ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, song từng lúc từng nơi, tình trạng này vẫn xảy ra, bởi các hành vi tội phạm luôn bất ngờ và manh động. Viện trưởng Viện KSND tỉnh Trần Văn Sang cho biết: “Thực hiện chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra, viện KSND 2 cấp sẽ tiếp tục chủ động triển khai các biện pháp quản lý và kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và quá trình tố tụng của cơ quan điều tra, góp phần hạn chế việc bỏ lọt tội phạm. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt những khâu đột phá, nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, tăng cường kiểm sát các bản án, quyết định của tòa để kịp thời phát hiện vi phạm”.
Phó Giám đốc CA tỉnh Đặng Hồng Thọ cho biết, là lực lượng nòng cốt trong phòng chống tội phạm, CA sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt với các loại tội phạm, làm tốt công tác nắm tình hình, rà soát đối tượng; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn, phát hiện, xử lý các vi phạm, góp phần răn đe và phòng ngừa chung; tiếp tục duy trì, phát huy và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Để phòng ngừa tội phạm, các ngành, hội, đoàn thể cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách chủ động, theo chiều sâu và gắn với thực tế từng địa phương, đối tượng, từ đó, giúp mỗi người dân chủ động phòng ngừa.
Bên cạnh đó, gia đình cũng có vai trò hết sức quan trọng. Bởi thực tế các vụ phạm pháp hình sự gần đây đều xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong đời sống hàng ngày, từ sự thiếu tu dưỡng rèn luyện của cá nhân, dẫn đến bị cám dỗ để rồi gây hậu quả nghiêm trọng.
KIỀU ANH