“Nghĩ khác, làm khác” để nâng cao đời sống gia đình
Xã Vĩnh An, huyện Tây Sơn, có 317 hội viên phụ nữ. Trong những năm qua, Hội LHPN xã đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động giáo dục, tuyên truyền, CLB, mô hình để thu hút và nâng cao chất lượng đời sống của hội viên.
Hai mẹ con chị Mách đang sửa soạn nấu cơm.
Chúng tôi tìm đến nhà chị Đinh Thị Mách, 37 tuổi, ở làng Kon Giọt, thấy chị đang dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Chị Mách có hai con là Đinh Xuân Hy (10 tuổi), Đinh Xuân Hạ (2 tuổi) và nuôi thêm cháu gái Đinh Thị Kim Oanh (11 tuổi). Dù gia đình khó khăn nhưng các con và cháu của chị là học sinh giỏi nhiều năm liền, được nhận học bổng Vừ A Dính. Hàng ngày, chị Mách dù có bận rộn việc nương rẫy cũng tranh thủ về nhà lo cơm nước, nhắc nhở con, cháu học tập. Chị Mách kể: “Gia đình mình không còn đói khổ như trước nữa. Hội LHPN xã, huyện hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà và cho vay 30 triệu đồng để nuôi bò, làm rẫy. Phụ nữ trong làng khó khăn như mình đều được học làm sao để nuôi con tốt, dạy con ngoan; phòng chống dịch bệnh; giúp đỡ lẫn nhau... Ai trong làng cũng mừng, vui cái bụng lắm”.
Để chị em đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, cách làm, Hội LHPN xã Vĩnh An đã chủ động, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tình hình cuộc sống của hội viên. Hội đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; đặc biệt tranh thủ lực lượng già làng, trưởng thôn, lực lượng hội viên nòng cốt để giúp chị em hiểu và tự giác thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, thông qua cuộc vận động xây dựng “Gia đình 5 không, 3 sạch” và phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong đời sống của chị em. Chị Đinh Thị Nguyệt Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Vĩnh An, tâm sự: ”Để nâng cao đời sống kinh tế cho phụ nữ ở xã, ngoài việc tạo điều kiện để chị em vay vốn làm ăn, chúng tôi còn tích cực tuyên truyền giúp họ chuyển đổi tập quán canh tác lạc hậu sang phương pháp kỹ thuật mới theo kiểu “cầm tay chỉ việc”; đồng thời, nhân rộng các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng... Mỗi cán bộ hội phải kiên trì, nhẫn nại, tận tình khi tuyên truyền và gương mẫu thực hiện trước, chị em mới hiểu, mới tin và làm theo”.
Trong năm 2018, toàn xã huy động vốn tiết kiệm gần 30 triệu đồng, giúp 14 chị có hoàn cảnh khó khăn vay vốn xoay vòng không lãi suất để phát triển kinh tế. Hội LHPN xã tạo điều kiện cho 250 chị tham gia 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa lai TH3-3, chăn nuôi, phòng dịch trâu bò, nuôi cá nước ngọt. Hội LHPN xã duy trì mô hình liên kết phát triển chăn nuôi bò ở làng Kon Giang với 10 thành viên. Công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế ngày càng huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Hội LHPN xã đã giải ngân trên 1,3 tỉ đồng cho 32 hộ nghèo vay, tổng dư nợ trên 3,4 tỉ đồng với 172 hộ vay. Đặc biệt, Hội LHPN xã trực tiếp giúp 55/75 phụ nữ nghèo ở xã. Kết quả, có 43 chị được giúp đã thoát nghèo, trong đó 7 phụ nữ nghèo làm chủ hộ đã thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò, như: chị Đinh Thị Triêng, Lê Thị Ngã, Đinh Thị Sắc (làng Kon Giang); chị Đinh Thị Dơ, Đinh Thị Tình, Đinh Thị Den (làng Kon Mon); chị Đinh Thị Phiên (làng Kon Giọt 1)…
CÔNG HIẾU