Hỗ trợ nữ phạm nhân hòa nhập cộng đồng
Sau 2 năm thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Trại giam Kim Sơn, 2 đơn vị đã có nhiều hoạt động giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.
Các nữ phạm nhân thi đấu bóng chuyền cùng cán bộ nữ Trại giam Kim Sơn.
Tiếp thêm động lực
Vừa qua, các nữ phạm nhân và cán bộ nữ Trại giam, cán bộ Hội LHPN huyện Hoài Ân, Hội LHPN tỉnh cùng tham gia các hoạt động giao lưu bóng chuyền, văn nghệ. Các nữ phạm nhân luôn nở nụ cười rạng ngời. Nữ phạm nhân Phạm Thị Duy Hiền, SN 1982, ở Quảng Nam, tâm sự: “Tôi thụ án đã được 5 năm. Ban đầu, tôi tự ti, mặc cảm và chán nản. Cán bộ trại giam đã tạo điều kiện cho tôi tham gia nhiều hoạt động phong trào. Tôi tin tưởng hơn vào bản thân, cố gắng cải tạo tốt để được giảm án và quay về với gia đình”. Còn nữ phạm nhân Hồ Bích Hằng (SN 1988, Quảng Ngãi), rơm rớm nước mắt nhớ lại: “Ngày đầu chấp hành án, tôi vô cùng chán nản, nhớ con. Ban giám thị, Hội đồng cán bộ đã giúp tôi nhận ra sai lầm. Trong quá trình thụ án, tôi được học nghề, định hướng về nghề nghiệp. Tôi hy vọng sau khi mãn hạn tù, có thể hòa nhập tốt trong cộng đồng”.
Rất nhiều nữ phạm nhân như chị Hiền và chị Hằng đã được tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình thiết thực, phong phú, như: khảo sát thông tin nhu cầu việc làm để định hướng đào tạo nghề cho phạm nhân nữ sắp chấp hành xong án phạt tù; tìm hiểu về pháp luật, thông tin hướng nghiệp, việc làm, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao… Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Ái, Phó Đội trưởng Đội Giáo dục - Hồ sơ (Trại giam Kim Sơn), Chủ tịch Hội LHPN Trại giam Kim Sơn, chia sẻ: “Vào trong này, mỗi chị em một hoàn cảnh khác nhau, mỗi người một mức án, họ lại rất dễ tự ti, mặc cảm. Tôi và cán bộ ở trại trực tiếp động viên, an ủi và giúp đỡ về mặt tinh thần để họ vượt qua mặc cảm. Trong trại, các phạm nhân được tham gia nhiều hoạt động và phong trào để có suy nghĩ tích cực hơn. Họ có cơ hội gắn kết để yêu thương nhau hơn. Tôi mong các phạm nhân nữ đều có thể cải tạo tốt, hướng tới điều tốt đẹp và tái hòa nhập cộng đồng. Hy vọng, chính quyền địa phương, các cấp Hội có thể giúp đỡ, tạo điều kiện cho những phụ nữ sau khi chấp hành án có thể hòa nhập tốt với cộng đồng, không tái phạm tội”.
Chú trọng hỗ trợ khởi nghiệp, tạo việc làm
Trong 2 năm qua, qua chương trình phối hợp, 2 đơn vị đã tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản cho 60 phạm nhân nữ và khám sức khỏe tổng quát cho 2 cháu là con phạm nhân đang ở cùng mẹ trong trại giam. 167 phạm nhân nữ được tư vấn pháp luật, trong đó có 3 phạm nhân đăng ký tư vấn riêng và đã được giải tỏa một phần vướng mắc, khó khăn, giúp an tâm tư tưởng. 31/65 nữ phạm nhân đã chấp hành xong án phạt tù được tái hòa nhập cộng đồng, tạo dựng cuộc sống mới. Mở 9 buổi tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình... cho gần 240 lượt nữ phạm nhân. Tổ chức khảo sát 100 phạm nhân nữ còn án từ 5 năm trở xuống về nhu cầu, nguyện vọng giúp họ chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, công tác giúp đỡ phạm nhân nữ tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều hạn chế. Các hoạt động tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục là chính. Công tác hướng nghiệp, khởi nghiệp, giới thiệu việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù là nữ chưa thực sự thiết thực. Do đó, tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng chưa cao, một số người tái vi phạm pháp luật. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, khẳng định: “Thời gian tới, hai đơn vị sẽ tăng cường phối hợp tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù là nữ, để hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn”.
KIM CHI