Kẻ “mắc duyên” với bìa sách
Họa sĩ Lê Duy Khanh hiện đang công tác tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Ðịnh. Anh là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh thường xuyên sáng tác và tham gia triển lãm khu vực, Trung ương từ năm 1990 đến nay.
Lê Duy Khanh là một họa sĩ đã khẳng định mình qua nhiều giải thưởng trong lĩnh vực hội họa. Tranh anh khoáng đạt, giàu ý tưởng và cảm xúc để lại nhiều dấu ấn cho người thưởng lãm. Trong địa hạt với màu sắc, hình khối, bố cục…, Lê Duy Khanh còn tạo ấn tượng khá đậm nét với công việc mà anh đã gắn bó hơn ba mươi năm nay: Việc thiết kế, vẽ bìa sách.
Từ những thập niên tám mươi của thế kỷ trước, Lê Duy Khanh đã bén duyên với công việc này khi được họa sĩ Hồ Minh Quân, một tác giả làm bìa sách kỳ cựu mời cộng tác làm bìa cho nhiều đầu sách của NXB Nghĩa Bình. Không biết duyên này sâu đậm đến đâu mà đến thời điểm này, qua bao vật đổi sao dời, NXB Nghĩa Bình chỉ còn nằm trong hồi ức và những họa sĩ làm bìa sách ở Bình Định một thời đã chuyển nghề hay thưa vắng dần việc làm bìa, thì anh, vẫn còn “tay nắm, tay đan” với sách. Chỉ cách đây vài tháng, nhiều ấn phẩm được phát hành như thi phẩm Sáu mươi năm chút đời thường của Phạm Mai, tập ký Ký ức về dòng sông của Nguyễn Ngọc Lối… đều do họa sĩ Lê Duy Khanh thiết kế bìa. Hay gần đây nhất là anh đang thực hiện các bìa sách cho 4 tập sách do Hội VHNT tỉnh Bình Định “đặt hàng” về Văn trẻ, Nhiếp ảnh, Âm nhạc, Mỹ thuật Bình Định trong giai đoạn 2012-2018.
Lần giở lại ký ức, anh không sao nhớ hết những bìa sách mà mình đã thực hiện. Chỉ biết rằng khi được các tác giả tin tưởng “chọn mặt gửi vàng” để “may áo” cho những đứa con tinh thần của họ, anh đều chú tâm thực hiện một cách bài bản, hiệu quả nhất. Qua những bìa sách anh thực hiện, người xem có thể thấy được sự lớp lang, nghiêm túc của anh trong công việc. Có lẽ vậy, những tác giả đã thành danh như Lê Hoài Lương, Trần Thị Huyền Trang, Mai Thìn.… khi in sách cũng đặt niềm tin vào họa sĩ Lê Duy Khanh.
Phác thảo bìa tập thơ Tiếng mùa của Cao Trọng Quế do họa sĩ Lê Duy Khanh thực hiện.
Việc thực hiện bìa sách cũng khá phong phú. Có thể thiết kế bìa bằng cách làm đồ họa, sử dụng ảnh, vẽ tranh… đòi hỏi người thiết kế, vẽ bìa hiện nay phải có cảm quan của một họa sĩ và thành thạo các phần mềm đồ họa. Họa sĩ Lê Duy Khanh tâm sự: “Một trong những điểm quan trọng nhất là phải cân chỉnh bố cục hài hòa, có sự phối kết hòa điệu về hình ảnh, tranh vẽ, chữ, màu sắc… để hết thảy những yếu tố đó hợp ứng lại cất lên tiếng nói tinh thần cuốn sách”. Theo họa sĩ, ở một chừng mực nào đó, việc tư duy sáng tạo để thực hiện một bìa sách cũng giống như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, nó phải hàm chứa một thông điệp, một cảm xúc nhất định, và tất nhiên phải được đa số công chúng đón nhận.
“Ở một chừng mực nào đó, việc tư duy sáng tạo để thực hiện một bìa sách cũng giống như tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, nó phải hàm chứa một thông điệp, một cảm xúc nhất định, và tất nhiên phải được đa số công chúng đón nhận”.
Họa sĩ LÊ DUY KHANH
Một bìa sách thành công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có sự tương tác giữa tác giả làm bìa và sách. “Nếu một tác phẩm có nội dung hay nó sẽ kích thích mình tạo ra nhiều ý tưởng để cho ra bìa sách đẹp và đúng với tinh thần cuốn sách nhất. Đôi khi, chỉ ngay cái tên tác phẩm mà tác giả chắt nhặt lựa chọn cũng khởi tạo cho mình nhiều cảm hứng, ý tưởng, họa sĩ Lê Duy Khanh chia sẻ.
Lê Duy Khanh trở thành một địa chỉ tin cậy để nhiều cá nhân, đơn vị tìm đến mời làm bìa sách cho các ấn phẩm sách của họ. Nhiều năm nay, anh còn là họa sĩ mà Ban biên tập tạp chí Văn nghệ Bình Định mời thiết kế bìa cho tạp chí với số ra hàng tháng. Nhìn cách anh hứng khởi chia sẻ về sách, và từ tốn nói về công việc liên quan đến sách, thiết kế, vẽ bìa, tôi đoan chắc, cái duyên gắn nối với sách và làm bìa sách của anh, hẳn còn đậm đà và gắn kết dài lâu.
VĂN PHI