Mạnh dạn khởi nghiệp sáng tạo
Ngày 8.12, Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Ðịnh năm 2018” khép lại với 8 giải thưởng được trao cho các ý tưởng xuất sắc. Lan tỏa tinh thần mạnh dạn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các bạn trẻ, cuộc thi cũng mở ra những cơ hội đi xa hơn trên con đường này.
Cuộc thi được UBND tỉnh giao Sở KH&CN phối hợp Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức, thuộc chương trình “Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tỉnh Bình Định”. Từ 71 ý tưởng dự thi, qua 2 vòng xét tuyển, sơ loại, 15 ý tưởng xuất sắc vào chung kết.
Không làm, sao chạm đến thành công!
Chỉ cần ra khẩu lệnh “bật đèn”, “tắt đèn”, bóng đèn trong nhà sẽ bật tắt như ý muốn. Đó là ý tưởng khởi nghiệp “Thiết bị bật tắt thông minh” của 3 bạn: Võ Nguyễn Đức Trí, Võ Thanh Nhân, Nguyễn Thị Diễm Phúc (khoa Tài chính - Ngân hàng và Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn) - giải nhất cuộc thi. Ý tưởng đã trình làng phiên bản đầu tiên và được một số DN ở TP Hồ Chí Minh “để mắt” đến bởi sự khác biệt ở thuật toán xử lý âm thanh từ giọng nói, loại bỏ nhiễu tạp âm gây vô ý bật, tắt thiết bị điện và “học” được giọng chủ.
Hai học sinh Đỗ Nhật Hân và Nguyễn Kiều Nhi tạo bất ngờ với ý tưởng khởi nghiệp “MVE-Make Vietnamese Easier”.
Sau 2 năm tổ chức, bức tranh khởi nghiệp sáng tạo năm nay đã có nhiều gam màu. Không chỉ sinh viên, người trẻ khởi nghiệp mà còn có cả các… em học sinh. Thời khắc ý tưởng “MVE-Make Vietnamese Easier” được xướng tên đoạt giải nhì cuộc thi, khá nhiều người tỏ ra bất ngờ bởi chủ nhân của ý tưởng là 2 học sinh lớp 12: Đỗ Nhật Hân (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) và Nguyễn Kiều Nhi (Trường THPT Quốc học Quy Nhơn).
“Hy vọng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều ý tưởng khởi nghiệp giải quyết những vấn đề của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch… Những ý tưởng khởi nghiệp gắn kết với cộng đồng thì khả năng hiện thực hóa và phát triển DN khởi nghiệp rất cao”.
Ông LÊ CHÂU HOÀI NHẬT, Giám đốc Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển giáo dục Senseco
Hân cho biết, MVE là một website không chỉ chia sẻ kiến thức về tiếng Việt đến bạn bè quốc tế, mà còn là nơi truyền tải những nét đặc sắc trong văn hóa của người Việt, giúp người nước ngoài lẫn người Việt Nam đang định cư nước ngoài hiểu và yêu quý đất nước hình chữ S. Ý tưởng được Trưởng ban giám khảo - ông Lê Châu Hoài Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển giáo dục Sensecom, đánh giá cao sự kết hợp ý tưởng sáng tạo với công nghệ số, tăng tính khả thi, thành công trong ươm tạo DN khởi nghiệp.
Điều đáng ghi nhận, cuộc thi lần này được tổ chức tại Trường ĐH Quy Nhơn, thu hút khá đông học sinh, sinh viên và sự quan tâm của nhiều khán giả bên ngoài. Theo dõi xuyên suốt cuộc thi, sinh viên Nguyễn Văn Trung (năm nhất, khoa Kinh tế - Kế toán, Trường ĐH Quy Nhơn) hào hứng: “Mỗi một ý tưởng, dự án khởi nghiệp cho em kiến thức bổ ích, kinh nghiệm quý để mình mạnh dạn phát triển ý tưởng sáng tạo về lĩnh vực môi trường ấp ủ từ lâu. Em sẽ cố gắng để tham gia cuộc thi lần sau”.
Cuộc thi thu hút đông đảo học sinh, sinh viên và sự quan tâm của nhiều khán giả.
Tiếp sức đường xa
Ở góc nhìn của nhà tổ chức, ông Lê Công Nhường - Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, năm nay, Cuộc thi phát triển về số lượng và chất lượng ý tưởng, dự án; lĩnh vực tham gia đa dạng hơn rất nhiều về công nghệ, giáo dục, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch; đặc biệt nhiều ý tưởng đã có luôn sản phẩm. Đó là kết quả sự quan tâm sát sao của các đơn vị tổ chức, hiệu ứng tích cực từ các CLB khởi nghiệp của tỉnh, các trường đại học, cao đẳng.
“Yêu cầu đối với các ý tưởng là yếu tố khoa học công nghệ được chú trọng, cùng với khả năng chấp nhận của thị trường và khả năng gọi vốn thành công. Chúng tôi sẽ lựa chọn những ý tưởng xuất sắc nhất trực tiếp ươm tạo đưa các bạn đi đường xa, phát triển DN khởi nghiệp và làm nền tảng hình thành doanh nghiệp KH&CN sau này”, ông Nhường nhấn mạnh.
Ai cũng biết kết quả cuộc thi mới là khởi đầu, tất cả đều cần đào tạo, bổ sung kiến thức, quản trị kinh doanh, hỗ trợ gọi vốn… Bước ra từ cuộc thi năm 2017, chị Trần Linh Thùy (huyện Tuy Phước) - chủ dự án “Rau sạch Chân Nhân”, khẳng định từ ý tưởng cho đến mô hình trồng rau sạch kết nối các hộ nông dân, sản phẩm bước đầu được thị trường chấp nhận là một chặng đường dài cần rất nhiều sự hỗ trợ.
Là một trong những “bà đỡ” phát triển ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Lê Phương thông tin kế hoạch Hội sẽ thành lập CLB Đầu tư khởi nghiệp tỉnh, làm cầu nối các nhóm khởi nghiệp sáng tạo với nhà đầu tư trong, ngoài nước; trực tiếp tham gia ươm tạo các ý tưởng khả thi.
MAI HOÀNG