Thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá: Cần kết hợp nhiều giải pháp
Nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua các ngành, các cấp trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá, nhưng kết quả đạt được chưa như kỳ vọng.
Nhiều đơn vị vào cuộc
Để thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, thời gian qua, tại tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng Luật như: Đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị và vào tiêu chuẩn khen thưởng của công chức, viên chức, người lao động; mô hình nhà hàng không khói thuốc, CLB nông dân không khói thuốc…
Lực lượng chức năng kiểm tra một điểm bán thuốc lá tại TP Quy Nhơn.
Đặc biệt, trong 2 năm 2017 - 2018, Hội Y tế công cộng tỉnh đã phối hợp với Trường ĐH Y tế công cộng triển khai dự án “Vận động và hỗ trợ thực thi quy định cấm quảng cáo và khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam, giai đoạn 2” trên địa bàn tỉnh Bình Định. Một số hoạt động chính của dự án được thực hiện tại địa phương bao gồm: tổ chức hội thảo tập huấn cho các cán bộ thanh tra trong lĩnh vực phòng chống tác hại thuốc lá về các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; thực hiện 4 chiến dịch giám sát tình hình vi phạm tại các điểm bán lẻ thuốc lá trên địa bàn TP Quy Nhơn; tuyên truyền và cung cấp tài liệu truyền thông cho các chủ cơ sở kinh doanh thuốc lá trên địa bàn thành phố, hướng dẫn họ tuân thủ các quy định về quảng cáo, khuyến mại và trưng bày thuốc lá tại điểm bán lẻ; hỗ trợ thực hiện cuộc khảo sát tình hình vi phạm tại các điểm bán hàng sau khi kết thúc các chiến dịch giám sát; tổ chức thành công lễ mít - tinh hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá vào tháng 5.2018…
Tỉ lệ vi phạm còn cao
Dự án “Vận động và hỗ trợ thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán lẻ thuốc lá tại Việt Nam, giai đoạn 2” đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 3528/QĐ-BYT ngày 4.8.2017 tại các tỉnh: Bình Định, Đồng Tháp và Bạc Liêu, do Trường ĐH Y tế công cộng làm cơ quan chủ quản. Theo ThS Nguyễn Thị Như Tú, Thư ký Hội Y tế công cộng tỉnh, kết quả khảo sát cho thấy: Tỉ lệ điểm bán lẻ thuốc lá trong tỉnh vi phạm các quy định về quảng cáo thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là 18,5%; có 42,5% điểm bán lẻ vi phạm quy định về trưng bày thuốc lá; 3,5% điểm vi phạm quy định về khuyến mại thuốc lá; tỉ lệ điểm bán thuốc lá không treo biển thông báo “Không bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi” là 90,5%...
Nhóm khảo sát đưa ra một số khuyến nghị: Cần đẩy mạnh, tăng cường thanh tra, giám sát việc thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá tại các điểm bán lẻ; xử lý nghiêm các trường hợp tái vi phạm; nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở kinh doanh thuốc lá về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại thuốc lá thông qua truyền thông, phổ biến kiến thức; công tác truyền thông cần được duy trì và thực hiện thường xuyên kết hợp với việc đa dạng hóa các hình thức truyền thông.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, trong quá trình triển khai dự án tại tỉnh, vẫn còn một số hạn chế như: Nhận thức của người dân về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá chưa cao, một số chủ cơ sở kinh doanh thuốc lá có thái độ chưa hợp tác trong quá trình đoàn thanh tra thực hiện giám sát tại các điểm bán; tình hình quảng cáo và trưng bày thuốc lá vẫn diễn ra khá phổ biến tại một số khu tập trung đông dân sinh sống; lực lượng thanh tra mỏng nên việc thanh kiểm tra tại các điểm bán thuốc lá chủ yếu chỉ tập trung tại TP Quy Nhơn.
LÊ CƯỜNG