TIẾP XÚC CỬ TRI SAU KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XIV:
Cử tri đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng
Ðoàn ÐBQH tỉnh vừa kết thúc đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV. Bên cạnh việc thông tin kết quả của kỳ họp, các đại biểu cũng ghi nhận rất nhiều tâm tư của cử tri. Vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt là hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Quan trọng là thu hồi được tài sản
Đánh giá cao quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN), song nhiều cử tri cũng bày tỏ băn khoăn khi số vụ bị phát hiện, xử lý tăng nhanh nhưng hiệu quả thu hồi tài sản do tham nhũng còn thấp. Cử tri Huỳnh Xuân Cự (thôn Đông An, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ) nói: “Nhiều cán bộ cấp cao được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tốn kém nhiều tiền của nhưng lại tham nhũng lớn, gây mất niềm tin trong nhân dân. Điển hình là các cán bộ bị khởi tố liên quan đến vụ “Vũ nhôm”. Chức vụ càng cao thì càng phải xử lý nặng hơn”.
Còn cử tri Lê Văn Thông (thôn Vạn Phước Đông, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) đặt ra yêu cầu Quốc hội phải tăng cường mạnh mẽ vai trò giám sát đối với công tác PCTN. “Tham nhũng “vặt” ngày càng nhiều trong đội ngũ cán bộ, công chức. Đừng thấy “vặt” mà chủ quan bỏ qua!”, ông Thông lưu ý.
Cử tri phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) nêu bức xúc về chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Trong nhiều buổi tiếp xúc cử tri, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn đều nhấn mạnh, chưa bao giờ công tác PCTN quyết liệt, mạnh mẽ như hiện nay. Đáng chú ý, đối tượng đấu tranh, phòng ngừa đã được mở rộng đến các công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và cả các tổ chức xã hội có huy động đóng góp để hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, còn mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập để kiểm soát chặt chẽ hơn.
Còn đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho hay, việc phối hợp giữa công tác thanh tra, kiểm tra và PCTN khá chặt chẽ, đồng bộ. Việc xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, PCTN có những bước chuyển biến, tiến bộ. Năm 2017, qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, ngành Thanh tra đã phát hiện 76 vụ, 141 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; đã xử lý, thu hồi 8.756/16.501 tỉ đồng.
“Tuy nhiên, ý kiến cử tri phản ảnh là chính xác. Dù có nhiều cố gắng và đạt được nhiều kết quả, nhưng có những hành vi tham nhũng chưa được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời gây thất thoát tài sản của Nhà nước; hiệu quả thu hồi tài sản còn thấp”, ông Cảnh nói.
Thời gian tới, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ khẳng định tiếp tục tăng cường chỉ đạo hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng; chú trọng phát hiện sớm những sơ hở về cơ chế, chính sách dễ làm nảy sinh tham nhũng, tiêu cực.
Cần sớm sửa Luật Đất đai
Bên cạnh công tác PCTN, cử tri trong tỉnh còn quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của đất nước cũng như địa phương. Đó là: Hoạt động sắp xếp bộ máy hành chính cần quyết tâm thực hiện nhưng hết sức cân nhắc và có lộ trình phù hợp; quan tâm đến chế độ chính sách đối với những người không còn tiếp tục công tác. Với các bộ luật có liên quan thiết thân đến người dân, cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, làm tốt việc tuyên truyền pháp luật với phương châm gần gũi, dễ hiểu, tránh hình thức.
Cử tri cũng kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ với tinh thần xây dựng để góp phần giải quyết dứt điểm, có hiệu quả những vấn đề lớn mà người dân đã gửi gắm, phản ánh thời gian qua. Trong đó, chú trọng sửa chữa QL 1A, QL 19, khắc phục những bất cập trong GD&ĐT... Đồng thời, quan tâm nghiên cứu những vấn đề mới phát sinh như an ninh trên không gian mạng.
Đáng chú ý, cử tri ở các địa bàn có giải phóng mặt bằng thực hiện dự án lớn rất quan tâm đến chính sách đền bù. Đơn cử, tại buổi tiếp xúc của đại biểu Lê Công Nhường tại phường Thị Nại (TP Quy Nhơn), có 8/9 ý kiến liên quan đến vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn, như Dự án nâng cấp, mở rộng QL 19 đoạn từ Cảng Quy Nhơn đến QL 1A, Dự án Khu dân cư phía Bắc đường Đống Đa… Có cử tri bức xúc vì người thực hiện nghiêm, chấp nhận di dời trước thì nhận chế độ đền bù thấp hơn so với những người chây ì.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Tiết Hạnh cho rằng, nhiều kiến nghị chính đáng của cử tri liên quan đến chính sách đền bù giải tỏa xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Bà Hạnh cũng nhất trí cần kiến nghị xem xét sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp, nhất là các vấn đề liên quan đến chính sách đảm bảo an sinh, chuyển đổi nghề cho người dân.
“Kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; việc thảo luận, tranh luận và giải trình tạo không khí làm việc sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, thu hút sự quan tâm, theo dõi của nhân dân, cử tri. Ðề nghị các vị ÐBQH tiếp tục lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nghiên cứu, tìm hiểu, nắm bắt thực tiễn đời sống xã hội để kịp thời phản ánh, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan hữu quan và tích cực chủ động hơn nữa trong công tác lập pháp, giám sát”.
Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
(Trích phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp)
NGUYỄN VĂN TRANG