Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được xây dựng
Dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ được trình Quốc hội xem xét trong năm 2019.
Sáng 10.12, tại phiên họp 29 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, hòa giải, đối thoại với rất nhiều ưu điểm, đã trở thành nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của người dân và xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. (ảnh: Quochoi.vn)
Với cách thức thân thiện, đồng thuận trên nguyên tắc chia sẻ, cảm thông, cao thượng, “hai bên cùng thắng”, hòa giải, đối thoại góp phần hàn gắn những mâu thuẫn, rạn nứt, nâng cao ý thức pháp luật của người dân, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai.
Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Cơ chế hòa giải, đối thoại này độc lập, song song với các cơ chế hiện có; không mâu thuẫn, không triệt tiêu, không thay thế các cơ chế hòa giải, đối thoại khác trong tố tụng cũng như ngoài tố tụng hiện có; tăng cường phương thức tiếp cận công lý, nâng cao quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bên cạnh đó còn thu hút, huy động nguồn nhân lực chất lượng cao trong xã hội tham gia phối hợp cùng Tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính; giảm số lượng vụ việc mà Tòa án phải thụ lý, giải quyết; giảm tải áp lực công việc cho Tòa án, khắc phục một phần tình trạng thiếu nguồn nhân lực tại Tòa án.
Khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng cơ chế hòa giải, đối thoại trước khi Tòa án thụ lý vụ việc để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp; tăng tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành; rút ngắn thời gian, nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho biết, Ủy ban Tư pháp cũng đã có báo cáo thẩm tra và hoan nghênh ý tưởng này của Tòa án nhân dân Tối cao.
Theo bà Nga, vai trò của hòa giải rất quan trọng, việc không phải xử tại tòa mà tiến hành hòa giải để giải quyết tranh chấp là cách tốt nhất, tránh lãng phí. Do đó phải có dự báo tình hình tốt vì mới thí điểm 6 tháng nên phải đánh giá tác động cho kỹ. Tòa án tối cao cũng cần xem ý kiến Chính phủ để hoàn thiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. (ảnh: Quochoi.vn)
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội nhấn mạnh, để có Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, cần đánh giá tác động sâu rộng bởi hiện có rất nhiều loại hòa giải ở cơ sở, cho nên cần xem xét để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để việc hòa giải này không ngăn cản quyền khởi kiện.
“Trong điều kiện thụ lý cũng có một số vấn đề băn khoăn, đó là khi nhận được đơn khởi kiện chuyển cho trung tâm hòa giải với điều kiện không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, có đơn khởi kiện nhưng không phản đối việc hòa giải. Nếu như việc này được coi là một quá trình bắt buộc, chặn trước khâu thụ lý thì là có vấn đề. Chúng tôi đề nghị giải quyết vấn đề này song song, để người ta lựa chọn chứ không có nghĩa nhận được đơn khởi kiện rồi chuyển qua trung tâm hòa giải…” – bà Lê Thị Nga nêu ý kiến.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự kiến tháng 10.2019, Quốc hội thảo luận, cho ý kiến lần thứ 1 đối với dự án Luật. Tháng 5.2020, Quốc hội thảo luận lần thứ 2 và thông qua dự thảo Luật./.
Theo Kim Anh (VOV.VN)