Hoạt động bảo tồn bài chòi ở Hoài Nhơn: Ðang dần lan tỏa
Ở tỉnh ta, Hoài Nhơn là một trong vài địa phương sớm đi đầu trong công tác phục dựng, bảo tồn bài chòi trước khi loại hình nghệ thuật này được UNESCO vinh danh. Ðến nay, sau nhiều nỗ lực, nhiều hoạt động đã từng bước có sự lan tỏa đáng ghi nhận tại địa phương này.
Đội bài chòi Hoài Nhơn là đội có nhiều hiệu nhí.
- Trong ảnh: Hai hiệu nhí Phan Đoàn Thế Quân, Hồ Thanh Thủy (2 bên) tại Hội đánh bài chòi, Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền biển tỉnh 2018.
Hoài Nhơn không có nhiều anh, chị hiệu nổi tiếng như một vài địa phương khác. Bù lại Hoài Nhơn rất nhiều hiệu trẻ đang ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Ở Liên hoan hội đánh bài chòi cổ dân gian Hoài Nhơn lần III (diễn ra vào tháng 3.2018), 10 hiệu hô hát của đội Hoài Châu đều là 10 em thiếu niên ở độ tuổi 10 - 16. Không chỉ có vậy, Hoài Nhơn còn là địa phương đầu tiên có CLB bài chòi cổ hoạt động khá tốt trong trường học đó là CLB bài chòi cổ Trường THCS Hoài Châu (năm 2014). Tại nhiều liên hoan, hội thi bài chòi ở tỉnh ta, Hoài Nhơn tạo ấn tượng mạnh khi liên tục trình làng nhiều hiệu nhí giỏi giang.
Đầu năm nay, Trường Mầm non Hoài Thanh Tây tổ chức hội thi đánh bài chòi cho các bạn nhỏ. Hệ thống câu thai, câu hô đều được cải biên với nội dung cho phù hợp lứa tuổi mẫu giáo. Để bài chòi thấm sâu, lan rộng hơn nữa, mới đây Trung tâm VH - TT & TT huyện Hoài Nhơn phối hợp Phòng GD&ĐT huyện, triển khai kế hoạch đưa bài chòi vào trường học. Theo đó, đầu năm 2019, Trung tâm VH - TT & TT sẽ tập huấn cho đại diện tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT của huyện (không giới hạn số lượng tham gia). Tiếp đó, đội ngũ cán bộ, nghệ nhân của huyện sẽ đến trực tiếp từng trường để thị phạm cho học sinh toàn trường, luyện tập cho thành viên CLB bài chòi mỗi trường.
Ông Lê Văn Tình, Giám đốc Trung tâm VH - TT & TT Hoài Nhơn cho biết: “Để học sinh thật sự thấy thú vị, hào hứng với bài chòi, đối với học sinh THCS và THPT chúng tôi sẽ đặt hệ thống câu thai mới gần gũi với học sinh như chuyện trường, chuyện lớp, bạn bè, thầy cô, bài vở... Còn ở cấp tiểu học, dựa trên nền tảng hệ thống câu thai 12 con giáp, chúng tôi sẽ phát triển thêm sao vừa phong phú vừa tươi vui phù hợp với lứa tuổi các em”.
Dù kế hoạch chưa được triển khai nhưng nhiều trường đã tỏ ra hào hứng. Theo thầy Phan Văn Hà, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Chu Văn An, học sinh trường chuyên không chỉ có học mà còn được trau dồi, rèn luyện nhiều kỹ năng. Cùng với võ cổ truyền, đem bài chòi vào trường học là cơ hội để học sinh của trường tiếp cận, tìm hiểu di sản của ông cha. Hiện tại, Trường đã phổ biến thông tin đến học sinh vào buổi chào cờ để các em tìm hiểu trước.
Thầy Võ Văn Thời, Trường THCS Hoài Châu, chia sẻ: Sinh hoạt CLB bài chòi cổ sẽ góp phần tuyên truyền, vận động thanh thiếu niên tham gia bảo tồn một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của quê hương. Các em được cho học thuộc những câu thai do tôi sưu tầm được, đồng thời từng bước khuyến khích tập những làn điệu bài chòi cổ như xuân nữ, xàng xê, hồ quảng”.
Song song với việc đem bài chòi vào trường học, Hoài Nhơn còn thành lập đội bài chòi xung kích trực thuộc Trung tâm VH - TT & TT huyện. Theo đó, 21 nghệ nhân xuất sắc của huyện như Lý Thành Long, Nguyễn Văn Rạng, Bùi Thị Lê Thắm... sẽ tập trung tập luyện, biểu diễn vào những ngày lễ, hội và tập huấn cho các CLB mới thành lập. Hơn nữa, đội bài chòi này sẽ biểu diễn tại các điểm du lịch khi có yêu cầu.
Theo ông Võ Văn Đờn, cán bộ Trung tâm VH - TT & TT huyện, huyện đã đồng ý đầu tư kinh phí mua sắm chòi để thuận lợi sinh hoạt bài chòi của huyện. Đồng thời Trung tâm cũng đã tham mưu huyện xin kinh phí sắm mỗi xã một bộ chòi để phục vụ nhu cầu của người dân. Sắp tới Hoài Nhơn sẽ đăng cai tổ chức hội đánh bài chòi toàn tỉnh tại Đền thờ Đào Duy Từ. Cùng với đó, huyện sẽ tổ chức 3 điểm bài chòi phục vụ dịp mừng Đảng mừng Xuân.
THẢO KHUY