Nâng cao hiệu quả phòng cháy, chữa cháy: Chủ động phòng ngừa
Ý thức tự phòng, tự quản và chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của một số cơ quan, đơn vị, DN, hộ gia đình và người dân chưa cao là nguyên nhân chính khiến tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh gia tăng trong thời gian qua.
Nâng cao ý thức chủ động PCCC của mỗi cá nhân là yếu tố then chốt hạn chế tình trạng cháy, nổ xảy ra.
- Trong ảnh: Hiện trường vụ cháy nhà xưởng của Công ty TNHH Lam Di, ngày 6.12. Ảnh: HỒNG PHÚC
Trong 5 năm qua (tính từ 15.5.2013 đến 15.6.2018), trên địa bàn tỉnh xảy ra 349 vụ cháy, làm 4 người chết, 7 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính hơn 234,5 tỉ đồng; trong đó có 14 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, riêng năm 2018 không có vụ cháy lớn nào xảy ra và cũng không gây thiệt hại về người, tuy nhiên tình hình cháy nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp.
Còn chủ quan, thiếu sót
Theo CA tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 125 vụ cháy, gây thiệt hại về tài sản ước tính 16 tỉ đồng, so với năm 2017, số vụ cháy tăng 74 vụ (125/51 vụ), thiệt hại về tài sản giảm 44,5 tỉ đồng (16/60,5 tỉ đồng). Theo đánh giá của ngành chức năng, số vụ cháy tăng nhưng chủ yếu là các vụ cháy nhỏ, cụ thể cháy do sơ xuất sử dụng lửa 39 vụ (chiếm 31,2%); do sự cố hệ thống và thiết bị điện 36 vụ (chiếm 28,8%). Điển hình như vụ cháy tại xưởng mút của Công ty TNHH Sài Gòn Max (KCN Phú Tài) ước tính thiệt hại khoảng 8 tỉ đồng mà nguyên nhân được xác định là do chập điện. Mới đây nhất là vụ cháy tại Công ty TNHH Lam Di (phường Trần Quang Diệu, TP Quy Nhơn) cũng được nhận định có nhiều khả năng là do chập điện, bởi tại thời điểm xảy ra vụ cháy khoảng 1 giờ 20 phút ngày 6.12, nguồn lửa xuất phát từ bên trong nhà xưởng đã khóa cửa.
Qua phân tích các vụ cháy cho thấy, tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về PCCC tại một số cơ sở, tổ chức, cơ quan, hộ kinh doanh chưa cao. Nhiều đơn vị còn chủ quan, thiếu quan tâm, chưa tiến hành kiểm tra giám sát và xử lý những tồn tại thiếu sót, bất cập lớn về PCCC trong thời gian dài. Cụ thể, ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra PCCC 1.334 lượt cơ sở, tiến hành xử phạt hành chính 67 trường hợp; kiến nghị khắc phục 2.733 sơ hở, thiếu sót trong công tác PCCC. Đơn cử mới đây, lực lượng chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính 3,2 triệu đồng đối với Công ty TNHH V.T. (KCN Phú Tài) vì không kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét theo quy định; sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt không đảm bảo an toàn và không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và UBND các cấp chưa thường xuyên, chặt chẽ, còn mang tính hình thức nên hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chưa cao. Đại tá Phạm Đình Trung, Phó giám đốc CA tỉnh, phân tích: “Nguyên nhân các vụ cháy chủ yếu là do ý thức, kiến thức PCCC của một bộ phận cán bộ, công nhân viên và người dân chưa cao; chưa thấy được trách nhiệm và chưa nắm vững các biện pháp, cách thức PCCC. Từ đó dẫn đến sơ suất trong sử dụng lửa, sự cố thiết bị, chập điện, do đốt (tự thiêu). Tức là phần lớn nguyên nhân các vụ cháy do yếu tố khách quan, khi xảy ra cháy thì phát hiện chậm, cơ sở tự chữa cháy đến khi đám cháy phát triển mạnh mới báo cho lực lượng chức năng... “.
Chủ động phòng ngừa
Có thể nói, chủ động phòng tránh và xử lý tốt tình huống tại chỗ là một trong những biện pháp then chốt góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu xảy ra cháy, nổ. Đại tá Phạm Đình Trung nhấn mạnh: “Các DN, tổ chức, đơn vị, chung cư, nhà ở hộ gia đình cũng cần làm tốt công tác “4 tại chỗ”, tức là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ luôn là yếu tố hàng đầu, then chốt. Đây không chỉ là nhiệm vụ quan trọng mà còn là cách giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra sự cố cháy. Bởi người chữa cháy hiệu quả là người phát hiện đám cháy sớm nhất. Đồng thời, cần làm tốt công tác phòng ngừa, chủ động lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra”.
Song song đó, lực lượng Cảnh sát PC và CC tỉnh cũng sẽ tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC; tiếp tục củng cố lực lượng, phương tiện chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại; tập trung triển khai, tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp an toàn PCCC cụ thể, sát với tình hình thực tế nhằm đảm bảo an toàn, kiềm chế tình hình cháy, không để số vụ cháy gia tăng, nhất là các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng; kịp thời xử lý các tai nạn, sự cố cần cứu nạn, cứu hộ và phối hợp tốt với các lực lượng liên quan đảm bảo trật tự an toàn xã hội, góp phần thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh.
Cháy, nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và không ngoại trừ một ai. Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, thì mỗi người dân cần thường xuyên, liên tục đề cao cảnh giác, không để xảy ra cháy, nổ, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của chính mình và những người xung quanh.
KIỀU ANH