Mưa lũ lớn bất ngờ trên diện rộng: Cảnh giác cao, giảm thiểu thiệt hại
Từ đêm 8.12 đến sáng 10.12, trên địa bàn tỉnh, trong khoảng thời gian ngắn có mưa to đến rất to dồn dập, có nơi lên tới gần 400ml, khiến nước lũ dâng cao, nhiều địa phương trong tỉnh bị ngập lụt nặng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (hàng trước, thứ 2 từ trái qua) đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại do lũ lụt gây ra tại xã Mỹ Chánh (Phù Mỹ). Ảnh: THANH CHI
Sẵn sàng cứu trợ người dân
Trước tình trạng mưa lớn, gây lũ ngập úng, Hội CTÐ tỉnh đã phân công cán bộ trực nắm tình hình thiệt hại, cập nhật và báo cáo cho Trung ương Hội CTÐ Việt Nam. Hội cũng chỉ đạo cấp Hội cơ sở theo dõi, huy động thanh niên xung kích, tình nguyện viên CTÐ hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở sau khi nước rút. “Hiện tại, Hội CTÐ tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng một cơ số lương thực, thực phẩm để hỗ trợ khẩn cấp cho người dân trong trường hợp mưa lũ kéo dài, cô lập nhiều ngày, đảm bảo không để xảy ra tình trạng đói, khát”, ông Hà Văn Cát, Chủ tịch Hội CTÐ tỉnh trao đổi.
NGUYỄN MUỘI
Dù nước đã rút nhiều, nhưng đến chiều 10.12, các xã khu Đông huyện Hoài Nhơn vẫn còn mênh mông nước. Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho biết: Mưa lũ đã làm 1 người chết (ngư dân Nguyễn Văn Cu, ở xã Hoài Hải, thuyền viên trên tàu cá BĐ 96652 - TS của ông Nguyễn Văn Hóa ở cùng địa phương bị rớt và mất tích trên cửa biển Thuận An - Huế). Ngày 9.12, tàu cá BĐ 97837 - TS công suất 725 CV của ông Phạm Văn Ngàn cũng ở xã Hoài Hải bị nạn và chìm ở vùng biển có tọa độ 16,12 độ vĩ Bắc - 108,12 độ kinh Đông. Rất may, 8 ngư dân trên tàu đã được tàu BĐ 96814 - TS công suất 815 CV ở địa phương cứu vớt, đưa vào bờ an toàn và bàn giao cho BĐBP Đà Nẵng trong ngày 9.12. Sức khỏe các thuyền viên cơ bản ổn định. Mưa lũ cũng đã làm cho 4.162 ngôi nhà dân và hơn 1.200 ha lúa Đông Xuân (ĐX) bị ngập, hệ thống kênh mương thủy lợi, đường giao thông và nhiều trường học bị hư hỏng nặng.
Tại huyện Hoài Ân, mưa lũ khiến nước các sông lên nhanh làm ngập hơn 1.600 ngôi nhà, 1.100 giếng nước, 36 công trình trạm bơm; 134 ha lúa và 106 ha hoa màu bị thiệt hại; sạt lở và bồi lấp 8.600 m kênh mương chính; 26km kênh mương bê tông bị sạt lở hai bên bờ; cuốn trôi 128 đập bổi và 106 m cầu máng; sạt lở trên 2.650m đoạn bờ sông tại các xã Ân Hảo Tây, Ân Mỹ, Ân Thạnh, nhiều tuyến đường liên xã, cống nội đồng, cầu bị xói, sạt lở. Ông Nguyễn Hữu Khúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Mặc dù tình thế khẩn trương nhưng huyện đã sơ tán 320 hộ dân đến nơi an toàn.
Với phương châm 4 tại chỗ, sự cố lở thân đập Chùa ở xã Ân Hảo Tây đã được khắc phục kịp thời. Ảnh: TỐNG BÌNH
Đặc biệt nghiêm trọng là mưa lũ đã làm cho thân đập Chùa ở xã Ân Hảo Tây bị lở, rất may với phương châm 4 tại chỗ, sự cố đã được khắc phục kịp thời. Sáng 10.12, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Phi Long đã kiểm tra và tuyên dương tinh thần trực phòng chống lụt bão nghiêm túc của xã Ân Hảo Tây. Hoài Ân có 22 hồ chứa nước lớn nhỏ, đến giờ hầu hết nước đã qua tràn. Trên địa bàn Hoài Ân đến chiều tối 10.12 vẫn còn mưa lớn, mực nước các sông còn dâng cao. Thiệt hại do mưa lũ ở huyện Hoài Ân tính sơ bộ đến chiều 10.12 là hơn 15 tỉ đồng.
Chiều 10.12, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, cho hay: Đến chiều ngày 10.12 vẫn còn 650 hộ dân tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Tài, Mỹ Thành… bị cô lập trong nước lũ. Trong số 4.200 ha lúa ĐX mới gieo sạ đã có 2.800 ha bị ngập nước và 103 ha rau màu bị hư hỏng. Mưa lũ cũng đã cuốn trôi 1.150 con gia súc, gia cầm.
CA huyện Phù Mỹ đưa dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Ảnh: VĂN TỐ
Mưa lớn bất ngờ ở huyện Phù Mỹ khiến tại xã Mỹ Chánh nước lũ dâng cao, chảy xiết đến 3 giờ sáng 10.12, nước tràn qua đê sông Cạn ở xã Mỹ Chánh khiến nhà của hơn 1.000 hộ dân tại các thôn An Xuyên 1, An Xuyên 2, An Xuyên 3, Lương Trung, Lương Thái bị ngập sâu trong nước. Hàng ngàn hecta hoa màu, trâu bò, gà vịt và lương thực thực phẩm bị cuốn trôi theo dòng nước. Tại xã Mỹ Quang: nước lũ chảy xiết gây xói lở bờ kè sông Bình Trị, gây ngập lụt trên diện rộng. Hơn 300 hộ dân các thôn Bình Trị, Trung Thành 1, Trung Thành 2 bị cô lập trong lũ. Ngoài ra, tại các địa phương khác trên địa bàn huyện, 2.800 ha/4.200 ha lúa ĐX đã gieo sạ bị ngập, cuốn trôi, nhiều tuyến kênh mương, đường bê tông giao thông nông thôn… bị hư hỏng nặng.
Sáng 10.12, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 572 và Đội xung kích (CA huyện Phù Mỹ) đã đến để cứu hộ, cứu nạn người dân ở các thôn Lương Trung và Lương Thái (xã Mỹ Chánh) bị lũ cô lập. Bộ đội và công an đã đưa hàng trăm người dân đa số là người già, phụ nữ và trẻ em từ vùng bị lũ nguy hiểm đến nơi an toàn. Ngoài ra, hai lực lượng còn vận chuyển thuốc men và nhu yếu phẩm cho người dân bị lũ cô lập.
Mưa lũ đã làm hư hỏng tuyến đường bê tông ở xã Nhơn Tân. Ảnh: THANH MINH
Chiều 10.12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra, khảo sát tình hình thiệt hại do lũ lụt tại các xã Mỹ Chánh, Mỹ Quang (Phù Mỹ). Nhận định mưa lũ còn diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ, thông tin đầy đủ, kịp thời các xã, phường và người dân biết để chủ động các biện pháp ứng phó. Đồng chí Trần Châu căn dặn cán bộ và nhân dân vùng lũ huyện Phù Mỹ phải tiếp tục cảnh giác, không được lơ là chủ quan vì diễn biến thời tiết còn rất phức tạp.
Đến 16 giờ chiều 10.12, sân Trường THPT số 1 Phù Mỹ vẫn ngập chìm trong nước lũ. Ảnh: NGỌC TÚ
Được biết từ ngày 9.12, Sở NN&PTNT đã thành lập nhiều tổ công tác xuống cơ sở để phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác ứng phó với mưa lũ. Chiều 10.12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: Hiện nước lũ đang xuống, nên chúng tôi đề nghị UBND huyện thống kê cụ thể thiệt hại để Sở NN&PTNT tổng hợp báo cáo, đề xuất UBND tỉnh và Bộ NN&PTNT xem xét hỗ trợ cho người dân khắc phục sản xuất. Về lúa giống bị hư hỏng, theo chính sách của tỉnh, đối với các huyện đồng bằng, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 50%, ngân sách huyện 50%; các huyện Tây Sơn, Hoài Ân, ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, ngân sách huyện 30% và đối với 3 huyện miền núi: An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%. Riêng TP Quy Nhơn, ngân sách thành phố hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại là 100%. Đối với diện tích sa bồi, thủy phá, hệ thống kênh mương bị hư hỏng, bồi lấp, chính quyền địa phương chủ động khắc phục để kịp thời đưa vào sản xuất vụ ĐX. Sở NN&PTNT chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với địa phương hướng dẫn nông dân tiêu độc khử trùng chuồng trại khu vực bị ngập nước và triển khai các biện pháp không để dịch bệnh xảy ra.
TIẾN SỸ - VĂN HÙNG - THANH TRỌN - THANH CHI - VĂN TỐ
* Ðến chiều 10.12, mưa lũ đã làm 1 người chết, 4.754 ngôi nhà bị ngập, 5 ngôi nhà khác bị sập; 3,26km đường giao thông; 1,85km đê sông, suối và 28,4km kênh mương bị sạt lở; 49 đập bổi bị cuốn trôi, 1 đập kiên cố khác bị hỏng. Về nông nghiệp, có 6.828 ha lúa mới gieo sạ và 370 ha hoa màu bị ngập; 46.130 con gia cầm bị chết. Ở khu vực Bắc Biển Ðông có gió to sóng lớn uy hiếp tàu cá của ngư dân tỉnh ta, nên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN giúp đỡ cho 9 tàu cá (BÐ 95249 - TS, BÐ 97913 - TS, BÐ 97947 - TS, BÐ 97857 - TS, BÐ 95537- TS, BÐ 98285 - TS, BÐ 97966 - TS, BÐ 97499 - TS, BÐ 96788 - TS với 72 thuyền viên vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) để tránh trú.
PHẠM TIẾN SỸ
* Từ 21 giờ 30 phút đến 22 giờ ngày 9.12, đường sắt nằm trong khu gian từ ga Bồng Sơn đến ga Vạn Phú xuất hiện 3 điểm sạt lở bởi mưa lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng khiến việc lưu thông đường sắt bị gián đoạn. Từ 21 giờ 38 phút ngày 9.12, ngành đường sắt đã đình chỉ việc chạy tàu qua khu gian trên; đồng thời, khẩn trương huy động lực lượng tổ chức khắc phục. Từ đêm 9.12 đến sáng 10.12, Công ty Quản lý khai thác đường sắt Nghĩa Bình huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục, đến 9 giờ ngày 10.12, tàu đã có thể lưu thông trở lại nhưng tốc độ chạy tàu qua 3 điểm hư hỏng không quá 5 km/h.
TRỌNG LỢI
* Theo Sở GD&ÐT, điểm tích cực là nhờ cảnh giác cao, công tác phòng chống lũ lụt tổ chức khá tốt nên đến giờ chưa có thiệt hại nào đáng kể. Giám đốc Sở GD&ÐT Ðào Ðức Tuấn đã giao thủ trưởng các cơ sở giáo dục nắm cụ thể tình hình mưa lũ để quyết định có tiếp tục cho học sinh nghỉ học hay không. Thủ trưởng các đơn vị chủ động phòng tránh thiên tai, ra quyết định cho học sinh nghỉ học; tuyệt đối không được chủ quan và không được để xảy ra thiệt hại về người.
NGỌC TÚ
* Báo cáo sơ bộ của huyện An Lão cho biết, đến chiều 10.12, tại huyện An Lão đã có 208 ngôi nhà bị ngập nước với độ sâu dưới 1m; nhiều tuyến đường giao thông nông thôn, kênh mương bị sạt lở, bồi lấp. 2 cầu Suối Tre và Suối Le ở xã An Hưng do mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đã làm sạt lở sụt lún mố cầu gây nguy cơ mất an toàn giao thông khi xe đi qua.
* Lũ lớn ở các xã phía Đông 2 huyện Tuy Phước, Phù Cát như: Phước Hòa, Phước Thắng, Cát Chánh, Cát Tiến đã chia cắt nhiều tuyến đường. Tuyến tỉnh lộ ĐT 640 qua 4 xã trên ngập sâu từ 0,5 - 0,9 m khiến giao thông tê liệt hoàn toàn. Tuyến tỉnh lộ 636B Phước Hòa đi Phước Quang ngập 0,5m. Đến 15 giờ chiều 10.12, nước bắt đầu rút, tuy nhiên trên tuyến tỉnh lộ 640 và 636B vẫn còn ngập.
* Nhờ cảnh giác cao, ngay trong mưa lũ, xã Cát Tài, huyện Phù Cát đã tổ chức ứng cứu, sơ tán thành công 60 hộ dân đến nơi an toàn, tránh nguy cơ đoạn bờ suối Cầu Cháy, thôn Vĩnh Thành bị sạt lở gây nguy hiểm. Đến chiều 10.12 vùng hạ lưu sông La Tinh nước vẫn ngập mênh mông, do triều cường nước rút rất chậm.
* Tại TX An Nhơn, mưa lũ lớn bất ngờ gây thiệt hại nặng về cơ sở hạ tầng, đường giao thông và sản xuất tại các xã: Nhơn Tân, Nhơn Thọ, Nhơn Lộc, phường Nhơn Hòa và Khu Công nghiệp Nhơn Hòa.
HỮU BÁ - HOÀNG NAM QUỐC - XUÂN THỨC - THẾ HÀ - TRỌNG NHÂN - THANH MINH