Startup không phải là chuyện đơn giản
Chủ đề khởi nghiệp (startup) đang được rất nhiều người nói đến, nó gần như đang trở thành một phong trào. Sự thận trọng của một vài chuyên gia sau Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định năm 2018” khiến tôi nhớ lại lời của một người bạn làm việc trong lĩnh vực đầu tư tài chính khi anh nói về startup - một startup ngó được là một startup bắt đầu từ ý tưởng tốt - kế đó là nó được tính toán tiếp thị, chuẩn bị tài chính chu đáo - tiếp đến là lộ trình triển khai ý tưởng khả thi. Được như vậy coi như xong giai đoạn đầu. Mới chỉ là giai đoạn đầu thôi!
Hiện nay hầu hết khi nói về khởi nghiệp người ta hay đi tắt từ ý tưởng tốt - sản phẩm tốt đến ngay cách thức làm sao để chinh phục được nhà đầu tư. Và quả thật trên nhiều cuộc giao lưu, rất nhiều chuyên gia đã nhấn mạnh quá nhiều đến cách thức thuyết phục nhà đầu tư với động lực làm sao để gọi được lượng vốn càng nhiều càng tốt. Cách truyền thông này khiến nhiều người có ý tưởng - sáng lập (founder) ảo tưởng về thành công.
Startup có thể nở rộ như chồi non sau cơn mưa, nhưng vươn lên thành cây thì khó, mà cây cho trái ngọt còn khó hơn bội phần. Điều này cũng được nhiều chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên có vẻ người ta thích nghe về thành công hơn là những cảnh báo thất bại. Thông thường để dẫn dắt một startup vận hành tốt cần có tổ hợp những người thành thạo về lập trình, marketing và tài chính. Nhưng hầu hết các founder ở ta đều ít kinh nghiệm, thiếu hoặc chưa hoàn chỉnh các kỹ năng cần thiết. Khác với ở nước ta, tại các quốc gia đã phát triển startup từ lâu, hầu hết các founder đều đã có kinh nghiệm làm việc tại DN, thuần thục kỹ năng và họ biết cách tìm đến nhau để bổ khuyết những kỹ năng còn thiếu. Đó là chưa kể ở đó có sẵn rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư dành cho startup, nói chung khi bạn có ý tưởng xuất sắc thì không thiếu chuyên gia sẵn sàng cấp vốn, thậm chí đề nghị được là thành viên sáng lập. Cũng cần phải nói thêm là các startup rất cần được bảo hộ tốt sở hữu trí tuệ, kiểu dáng công nghiệp.
Ở ta điểm hạn chế đầu tiên là không có nhiều những quỹ đầu tư kiểu như kể trên, những quỹ đang có thì tiềm lực cũng rất hạn chế nên chính họ cũng muốn bảo tồn vốn, tránh rủi ro. Mặt khác thẳng thắn mà nhìn nhận, những doanh nhân thành đạt ở nước ta, phần lớn thuộc về các ngành truyền thống như: bất động sản, thị trường tài chính, khai thác tài nguyên. Khi thành công ở các lĩnh vực như vậy, hầu hết đều không mấy quan tâm đến khởi nghiệp. Họ muốn rót vốn vào lĩnh vực mà họ thành thạo, nắm vững hơn là những ý tưởng mơ hồ, những phương án tài chính có độ rủi ro cao.
Bởi vậy, khởi nghiệp không phải là chuyện đơn giản, bạn tôi nhắc chừng.
ÐÔNG A
Bài viết rất đúng, rất trúng. Nếu hệ thống truyền thông cứ mãi tuyên truyền khởi nghiệp theo kiểu phong trào như lâu nay: Phụ nữ khởi nghiệp, học sinh, sinh viên khởi nghiệp, người cao tuổi khởi nghiệp… cả nước khởi nghiệp thì rất nguy hiểm. Các bạn trẻ mới tốt nghiệp ĐH với kiến thức, kinh nghiệm còn rất thiếu có thể gặp thất bại lớn, lâm cảnh nợ nần nếu lao đầu vào khởi nghiệp theo phong trào. Thực tế, môi trường kinh doanh, khởi nghiệp ở ta còn quá nhiều hạn chế nên số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công cũng rất ít ỏi. TRẦN HỒNG ĐĂNG (Nhơn Phú, TP Quy Nhơn)